Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Công ty BTM Global Consulting Việt Nam: Mong quảng bá phần mềm Việt

ICTnews - Không chỉ là doanh nghiệp phần mềm có mô hình hoạt động hiệu quả, Công ty BTM Global Consulting Việt Nam (BTM Việt Nam) còn cho ra đời những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, qua đó, giúp quảng bá thương hiệu phần mềm Việt với thế giới.


Chú trọng đào tạo kỹ sư lập trình chuyên nghiệp

Sau khi kinh doanh thành công với mô hình Công ty phần mềm BTM Global Consulting tại Mỹ, Andy Huỳnh, Việt kiều đã nung nấu ý tưởng thành lập một mô hình tương tự tại quê hương Việt Nam nhằm tạo ra công việc cho nguồn tri thức trẻ và góp phần phát triển ngành công nghiệp phần mềm nước nhà.

Để chuẩn bị cho sự ra đời của BTM Việt Nam, từ đầu năm 2005, Andy Huỳnh đã dành thời gian dài về Việt Nam gây dựng nên nhóm lập trình viên nòng cốt. Sau đó, được sự hỗ trợ từ mô hình Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), BTM Việt Nam đã chính thức ra đời từ tháng 7/2007 và không ngừng phát triển cho đến nay.

Mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng tại QTSC vẫn chưa được hoàn thiện, song BTM Việt Nam đã thu hút được rất nhiều kỹ sư lập trình chất lượng. Đó là nhờ vào cách tuyển dụng quy chuẩn nhưng được cải tiến cho phù hợp với tình hình nhân lực trong nước.


"Khi tuyển dụng, ngoài những đòi hỏi về khả năng chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm, chúng tôi còn sẵn sàng đón nhận những người có tinh thần học hỏi, ý chí cầu tiến và khát khao tiếp cận công nghệ mới. Với họ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nâng cao chuyên môn và đào tạo thêm về ngoại ngữ cũng như những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp", ông Đỗ Thành Nhơn, Phó Giám đốc BTM Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, với chương trình trao đổi nhân sự hàng năm giữa BTM Việt Nam và BTM Mỹ, và việc tổ chức các dự án mà thành phần tham gia bao gồm cả nhân viên người Việt lẫn người Mỹ, BTM Việt Nam mong hướng đến việc xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, văn hóa cũng như trình độ công nghệ giữa các nhân viên trong và ngoài nước. Từ đó, hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giúp những kỹ sư lập trình Việt Nam có được đẳng cấp quốc tế.

Với phương thức tuyển dụng, định hướng đào tạo chuyên nghiệp cùng môi trường làm việc thân thiện, BTM Việt Nam đã nhanh chóng thu hút nguồn nhân lực lập trình chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước. Theo đó, từ năm 2007 đến nay, cứ mỗi năm số lượng kỹ sư lập trình của BTM Việt Nam lại tăng lên khoảng 50%.


Cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng


Nhờ có được thế mạnh riêng trong ngành phần mềm, đội ngũ kỹ sư lập trình chuyên nghiệp và khả năng nắm bắt thị trường tốt, BTM Việt Nam đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với những hãng phần mềm danh tiếng đến từ những quốc gia có ngành công nghiệp phần mềm phát triển trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ…


Sau đợt khủng hoảng kinh tế năm 2010, BTM Việt Nam đã vượt qua thử thách để mở ra hướng đầu tư chiến lược đúng đắn, đó là cạnh tranh và thu hút đơn hàng bằng các sản phẩm chất lượng. Từ đó, BTM Việt Nam đã nhận được những đơn hàng lớn từ các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Mỹ như: Gander Mountain, Decker, Travelocity, Target, Forsythe, Nexcom… và nhiều khách hàng tiềm năng ở khu vực Nam Mỹ.


Giải pháp tổng thể quản lý bán lẻ của BTM Việt Nam có nhiều phân hệ, và tính năng sử dụng tùy thuộc vào nhu cầu của cửa hàng, từ đó đưa ra được mức đầu tư hợp lý. Các giải pháp mà BTM đang cung cấp cho các nhà bán lẻ bao gồm: quản lý bán hàng, quản lý tồn kho, tối ưu hàng hóa trên kệ, tự động đặt hàng khi hàng sắp hết, hệ thống dự báo hoạch định bán hàng, máy bán lẻ (POS)...


Với các phần mềm quản lý bán hàng mà BTM đang cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, nhân viên có thể dễ dàng xuất hóa đơn, theo dõi tính điểm thưởng tích lũy cho khách hàng... Bên cạnh đó, tính năng quản lý khuyến mại sẽ giúp cho người quản lý chủ động trong việc liên kết với các đối tác để thực hiện các chiến dịch tiếp thị, khuyến mại...


Ngoài thế mạnh và thương hiệu của một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị, hệ thống bán lẻ, công ty BTM còn khá uy tín trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp quản trị doanh nghiệp thông minh (Business Intelligent – BI) và thương mại điện tử (E-Commerce). Nhờ đó, từ đầu năm 2011, BTM đã chính thức trở thành đối tác vàng của Oracle – nhà cung cấp các giải pháp khai thác và quản trị cơ sở dữ liệu hàng đầu trên thế giới.


“Đặc biệt, với cơ hội được tham gia Diễn đàn Liên minh các công viên phần mềm châu Á và châu Đại Dương (SPA) 2011 diễn ra vào ngày 13-14/7, BTM Việt Nam hy vọng sẽ tìm được nhiều đối tác lớn trong lĩnh vực thế mạnh của mình là phần mềm cho thị trường bán lẻ, cung cấp các giải pháp về thương mại điện tử và khai thác dữ liệu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thông qua Diễn đàn SPA 2011, BTM Việt Nam cũng mong muốn sẽ quảng bá được thương hiệu phần mềm của doanh nghiệp và những kỹ sư lập trình Việt Nam” – ông Đỗ Thành Nhơn, Phó Giám đốc BTM Việt Nam chia sẻ. 


KHÔI NGUYÊN
Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 83

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Chương trình thực tập sinh tại DIGI-TEXX

Chương trình thực tập sinh là một trong những chính sách thường niên của DIGI-TEXX, nhằm tạo điều kiện để sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước có cơ hội gia tăng kỹ năng làm việc đồng thời tìm hiểu các ngành nghề dịch vụ tại DIGI-TEXX.

Anh Trần Hứa Trọng Nhân (thứ 2 bên phải) và phòng Phát Triển Kinh Doanh

Cho đến nay, tổng cộng số thực tập sinh đã làm việc tại DIGI-TEXX khoảng 48 người, bao gồm 41 thực tập sinh trong nước và 7 thực tập sinh nước ngoài mà chủ yếu đến từ Đức và các quốc gia nói tiếng Đức như Áo, Thụy Sĩ.

Anh Trần Hứa Trọng Nhân, sinh viên của đại học Humboldt – CHLB Đức, hiện đang trong giai đoạn hoàn tất chương trình thực tập 3 tháng tại DIGI-TEXX, chia sẻ: “Tôi đã được thử sức mình với nhiều nhiệm vụ khác nhau tại DIGI-TEXX và tôi nghĩ rằng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm làm việc có giá trị ở đây”.

Với các chiến lược mở rộng kinh doanh và hướng đến da dạng hóa ngành nghề dịch vụ, DIGI-TEXX hi vọng sẽ tiếp tục đón nhận nhiều thực tập sinh hơn nữa trong tương lai. Mọi nhu cầu về thực tập tại DIGI-TEXX, vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
Phòng Nhân sự công ty DIGI-TEXX
Lầu 2, tòa nhà ANNA, công viên phần mềm Quang Trung
Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: +84 8 3715 5325
Fax: +84 8 3715 9402
Email: hr@digi-texx.com.vn

DIGI-TEXX triển khai dự án scan Báo Cáo Tài Chính tại Cục thuế TP.HCM

Vào đầu tháng 06 năm 2011, DIGI-TEXX chính thức triển khai dự án số hóa hồ sơ Báo Cáo Tài Chính và Báo Cáo Quyết Toán thuế năm 2010 tại Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh.
Quy trình xử lý hồ sơ khai thuế của DIGI-TEXX.

Với khối lượng tài liệu ước đoán ban đầu khoảng 450.000 trang A4, DIGI-TEXX dự tính sẽ thực hiện số hóa trong vòng một tháng với nhóm làm việc thường trực tại Cục thuế gồm 7 nhân viên xử lý dữ liệu và 1 quản lý dự án.

Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính sự nghiệp, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế và các khoản thu của ngân sách nhà nước trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ hai DIGI-TEXX chịu trách nhiệm thực hiện công tác số hóa hồ sơ cho Cục thuế.
 
CTY TNHH DIGI-TEXX
Lầu 2, Tòa nhà Anna
CVPM Quang Trung,
Phường Tân Chánh Hiệp
Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
ĐT:+84 8 3715 5325
Fax:
+84 8 3715 9402
Email: info@digi-texx.com.vn
Website: http://www.digi-texx.com.vn/

Phát triển công nghiệp phần mềm

Hôm nay (14/07), Diễn đàn “Công viên phần mềm (CVPM) - Xu hướng 2020” diễn ra tại CVPM Quang Trung (QTSC). Nhân dịp này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi bên lề với ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG, Phó Giám đốc QTSC, kiêm Chủ tịch Liên minh các CVPM châu Á - châu Đại Dương (SPA), về việc phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

PHÓNG VIÊN:
- Thưa ông, kỳ vọng của Ban tổ chức Diễn đàn này là gì?

Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG:
- Trong diễn đàn lần này, QTSC đặt mục tiêu hàng đầu là quảng bá hình ảnh ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam và TPHCM với bạn bè quốc tế, cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa DN CNTT trong nước với các nước có ngành CNTT phát triển. Bên cạnh đó, QTSC mong muốn được học tập kinh nghiệm, tìm hiểu những giải pháp, xu hướng phát triển CVPM của các nước trong 10 năm tới. Qua đó, rút ra mô hình, bài học trong công tác quản lý CVPM cũng như khả năng thích ứng trước những thay đổi, tác động của nền kinh tế toàn cầu.
Công viên phần mềm Quang Trung đã thu hút 22.800 người
học tập và làm việc
. Ảnh: MINH TUẤN

Diễn đàn này còn là cơ hội hợp tác kinh doanh với 65 DN CNTT tham gia, trong đó có 26 đơn vị nước ngoài và 39 đơn vị Việt Nam. Các DN nước ngoài mong muốn tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực ứng dụng CNTT như: dịch vụ thanh toán bán lẻ, dịch vụ e-commerce và m-commerce, thương mại điện tử, viễn thông, mạng không dây, truyền thông đa phương tiện, điện toán đám mây và máy chủ riêng ảo, an ninh mạng, hệ thống nhúng R&D, tích hợp hệ thống, phát triển và cung cấp các giải pháp CNTT cho ngành công nghiệp sản xuất, các ứng dụng của CNTT địa lý (GIS), các nhà khai thác dịch vụ di động, điện thoại di động, dịch vụ giá trị gia tăng và các ứng dụng phát triển trong lĩnh vực giao thông và hậu cần.

- Định hướng công nghiệp phần mềm thời gian tới ra sao?

- Ngành công nghiệp phần mềm của chúng ta mới đi được những bước ban đầu và đang ở cấp độ gia công phần mềm cho các thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu là chủ yếu. Các công ty Việt Nam thường gia công từng công đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu và chưa có nhiều những sản phẩm, ứng dụng đóng gói hoàn chỉnh. Mặt khác, do quy mô còn nhỏ nên sức cạnh tranh của DN Việt Nam chưa cao. Do đó, để phát triển nhanh ngành công nghiệp phần mềm, chúng ta cần lấy DN là nhân tố chính trong bức tranh phát triển.

Theo quan điểm của tôi, các DN phần mềm Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là nên mở rộng dần phạm vi kinh doanh từ việc chỉ gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài sang thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Thông qua kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm phần mềm mang thương hiệu Việt Nam, từ đó đưa những sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ thị trường trong nước. 

- Sau 10 năm hoạt động, QTSC đã làm gì để xứng tầm một trung tâm CNTT lớn nhất nước?

- QTSC đã đạt 5 sẵn sàng: cơ sở hạ tầng, viễn thông, văn phòng cùng những tiện ích, dịch vụ, đào tạo nhân lực. Chỉ sau 10 năm, đến nay QTSC có hơn 102 DN phần mềm và dịch vụ phần mềm đang hoạt động với những tên tuổi lớn nước ngoài như HP, IBM, SK Telecom, Luxsoft…, cùng các DN phần mềm hàng đầu Việt Nam như TMA, Global Cybersoft… Tại đây đã thu hút hơn 22.800 người học tập và làm việc. QTSC đã tập trung một tiềm lực mạnh về nguồn lực và trí thức của TPHCM để phát triển ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT.

Bên cạnh đó, QTSC đã thu hút các đơn vị đào tạo nhân lực ngành CNTT như Đại học Hoa Sen, FPT, SaigonTech, Trung tâm đào tạo CNTT TPHCM, SK Telecom IT center và Trung tâm Ươm tạo DN phần mềm Quang Trung. Quy mô đào tạo hiện nay tăng gấp 6 lần so với năm 2005. Các đơn vị đã hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 50.000m2 với đầy đủ tiện nghi, nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu - đào tạo và ươm tạo.

- Để thúc đẩy công nghiệp phần mềm phát triển, cần giải quyết vấn đề gì, thưa ông?

- Để tạo thêm sức mạnh cho DN công nghiệp phần mềm, chúng ta cần có những chương trình cụ thể tương tự chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính phủ phải đóng vai trò dẫn dắt và tạo cơ hội cho DN thông qua việc ban hành những chính sách phát triển thị trường.

Thí dụ nhà trường phải cung cấp cho mỗi học sinh, sinh viên một email, hoặc các bệnh viện phải lưu trữ tất cả bệnh án của bệnh nhân, hoặc các nhà thuốc phải có phần mềm quản lý thuốc chẳng hạn… có như vậy sẽ giúp các DN phần mềm Việt Nam có cơ hội phát triển các sản phẩm phần mềm đóng gói, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.

Trong 10 năm tới, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp phần mềm. Vấn đề đặt ra là chúng ta có đủ nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho DN hay không vì nhân lực là yếu tố quyết định trong hoạt động của DN phần mềm.

Với vai trò của mình, QTSC có định hướng sẽ cố gắng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho các DN có nhu cầu. QTSC sẽ là cầu nối giữa nhà trường với DN, để giúp nhà trường đưa chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế. Nếu chúng ta giải quyết được bài toán nguồn nhân lực thì ngành CNTT Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.


- Xin cảm ơn ông.

Hiện QTSC đã thu hút gần 50 nhà đầu tư, đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng để xây dựng CVPM và phát triển sản xuất kinh doanh phần mềm. Đến thời điểm này tổng số vốn đã thực hiện trên 1.806 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 214 tỷ đồng, vốn thu hút đầu tư và huy động các nguồn khác khoảng 1.592 tỷ đồng). Có thể nói Nhà nước bỏ ra 1 đồng vốn để đầu tư vào QTSC và thu hút được 8 đồng đầu tư của tư nhân.

Hợp tác toàn cầu để cùng phát triển

Là thông điệp chính mà các diễn giả đề xuất tại Diễn đàn “Công viên phần mềm: Xu hướng 2020” diễn ra vào ngày 14/07/2011

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/7/2011, tại Công viên phần mềm (CVPM) Quang Trung sẽ diễn ra Diễn đàn với chủ đề “Công viên phần mềm: xu hướng 2020” do QTSC Liên minh các công viên phần mềm Châu Á – Châu Đại dương (SPA) cùng tổ chức.

Trong diễn đàn lần này, QTSC mong muốn nâng cao sự hợp tác song phương và đa phương giữa các thành viên của SPA để tạo ra giá trị cho ngành phần mềm mỗi nước bằng cách tiếp cận “chia sẻ cơ sở hạ tầng” và “chia sẻ thông tin”. Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết “với vai trò là Chủ tịch SPA, QTSC sẽ thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc tích cực triển khai các hoạt động thực tiễn nhằm đưa những “tầm nhìn thành hành động” đến các thành viên của SPA”.

Theo Bà Suwipa Wanasathop, Phó Chủ tịch Cơ quan nghiên cứu và phát triển khoa học quốc gia (NSTDA) Thái Lan cho biết “Các công viên phần mềm ở Thái Lan sẽ phát triển theo xu hướng cùng nhau hợp tác, cải thiện chuỗi cung ứng và chia sẻ thông tin giữa các khu CVPM. Thông qua sự hợp tác này sẽ làm nền tảng của phát triển kinh tế. Thái Lan mong muốn tăng cường hợp tác giữa các công viên phần mềm của các quốc gia để cùng nhau thực hiện chiến lược win –win đưa khu vực này trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ CNTT thế giới ”

Bên cạnh đó, Bà Pg Sarimad Hj Abd Lafif, Tổng giám đốc của Liên đoàn CNTT Brunei tại Diễn đàn cũng đã đề xuất tăng cường khả năng hợp tác của các nền kinh tế. “Trong hai thập kỷ qua CNTT đã làm thay đổi thế giới, thế giới trở nên phẳng hơn và con người ở Châu Á có thể làm việc ở các châu lục khác và ngược lại. Tuy nhiên sự hợp tác giữa các quốc gia về CNTT vẫn chưa được đánh giá đúng mức, các công ty phần mềm hiện nay chỉ tâp trung vào từng lĩnh vực cụ thể, thường bị hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực và thông tin. Để cải thiện tình hình này thì xu hướng tất yếu của ngành CNTT và các CVPM cũng chính là hợp tác để cùng phát triển”, Bà Pg Sarimad Hj Abd Lafif nói.

Tại Diễn đàn lần này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước của Malaysia và Việt Nam cũng trình bày về chiến lược phát triển CNTT và phần mềm trong 10 năm tới và cũng nhấn mạnh đến khả năng tăng cường hợp tác để phát triển. Tuy nhiên, việc hợp tác cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức như làm thế nào để lựa chọn được đối tác hợp tác phù hợp, tin cậy, cách quản lý rủi ro hợp lý để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ và giảm nhẹ những rủi ro đó và xây dựng tiêu chuẩn hợp tác như thông tin liên lạc và các phương pháp tiếp cận hiệu quả.
 
Thông tin chi tiết có tại website: www.spa2011.vn. Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Ms. Ngọc Hoa – Ban Thư ký & truyền thông
Mobile: 0982 990 147, Email: ngochoa@qtsc.com.vn

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghệ thông tin

Trong khuôn khổ Diễn đàn “Công viên phần mềm: xu hướng 2020” do QTSC và Liên minh các công viên phần mềm Châu Á – Châu Đại dương (SPA) tổ chức vào ngày 14/07/2011 tại Công viên Phần mềm Quang Trung đã thu hút gần 40 doanh nghiệp nước ngoài tham dự đến từ 8 nền kinh tế gồm Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Trong Diễn đàn lần này, Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc QTSC cho biết“Chúng tôi sẽ tổ chức tiếp xúc, trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh (Business Matching) cho 65 doanh nghiệp công nghệ thông tin  gồm 26 doanh nghiệp nước ngoài và 39 doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói đây là lần đầu tiên có số doanh nghiệp tham gia business matching trong ngành công nghệ thông tin đông nhất từ trước tới nay”. Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực ứng dụng CNTT như: Dịch vụ thanh toán bán lẻ, dịch vụ e-commerce và m-commerce, thương mại điện tử, viễn thông, mạng không dây, truyền thông đa phương tiện, Điện toán đám mây và máy chủ riêng ảo, An ninh mạng, hệ thống nhúng R&D, tích hợp hệ thống, phát triển và cung cấp các giải pháp CNTT cho ngành công nghiệp sản xuất, các ứng dụng của công nghệ thông tin địa lý (GIS), các nhà khai thác dịch vụ di động, điện thoại di động, dịch vụ giá trị gia tăng và các ứng dụng phát triển trong lĩnh vực giao thông và hậu cần.
Thông tin về chương trình giao lưu doanh nghiệp có tại website: www.spa2011.vn.
Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Ms. Ngọc Hoa – Ban Thư ký & truyền thông
Mobile: 0982 990 147, Email: ngochoa@qtsc.com.vn

Gặp mặt doanh nghiệp tại Diễn đàn về công viên phần mềm

Tại Diễn đàn “Công viên phần mềm: Xu hướng 2020” ở Công viên phần mềm Quang Trung TP.HCM, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và trên 30 doanh nghiệp CNTT nước ngoài sẽ có buổi gặp gỡ, giao lưu vào chiều 14/7/2011.

Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và Liên minh các Công viên Phần mềm châu Á - châu Đại Dương (SPA) tổ chức Diễn đàn 2011 với chủ đề “Công viên phần mềm: Xu hướng 2020” từ ngày 13 – 14/7/2011, tại QTSC, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM. Tại diễn đàn này, Ban tổ chức dành buổi chiều ngày 14/7/2011 cho chương trình giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh (business matching) giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và trên 30 doanh nghiệp Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia...
Hình minh hoạ: Tại một cuộc gặp mặt doanh nghiệp giữa các doanh nghiệp CNTT TP.HCM và Osaka năm 2009.

Tham gia buổi gặp gỡ, giao lưu, Đoàn doanh nghiệp từ Cục Xúc tiến Thương mại Hồng Kông (HKTDC) có số lượng nhiều nhất - 18 doanh nghiệp. Các lĩnh vực mà phía Hồng Kông muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác là: Thanh toán bán lẻ, dịch vụ e-commerce (thương mại điện tử) và m-commerce (thương mại di động); Viễn thông hoặc nhà cung cấp dịch vụ Internet, lĩnh vực quan hệ công chúng (PR) và các cơ quan quảng cáo, phát triển công nghệ web, các nhà cung cấp nội dung web và các lĩnh vực giải trí trên mạng; Cung cấp giải pháp truyền thông như video phát sóng qua Internet, Intranet và mạng không dây, truyền thông đa phương tiện; Điện toán đám mây và máy chủ riêng ảo lưu trữ; Ảo hóa dựa trên phần cứng, lưu trữ dữ liệu, an ninh mạng, hệ thống nhúng R&D; Phát triển và cung cấp các giải pháp CNTT cho ngành công nghiệp sản xuất; Cung cấp dịch vụ cho các nhà bán lẻ, thương mại điện tử, các nhà khai thác dịch vụ di động, dịch vụ ngân hàng; Tích hợp hệ thống, gia công phần mềm CNTT; Các công ty phát triển Web, Hosting, các công ty gia công phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; Cung cấp máy chủ, thiết bị đầu cuối máy tính để bàn/POS, máy in thiết bị lưu trữ, và UPS; Các ứng dụng của công nghệ thông tin địa lý (GIS); Các nhà khai thác dịch vụ di động, điện thoại di động, dịch vụ giá trị gia tăng và các ứng dụng phát triển trong lĩnh vực giao thông và các công ty hậu cần.

Bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương của Cục Xúc tiến Thương mại Hồng Kông phát biểu: “Thông qua buổi giao lưu này, QTSC và HKTDC sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp Hồng Kông và Việt Nam cùng chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Và hi vọng sau diễn đàn SPA 2011, các doanh nghiệp CNTT sẽ tìm kiếm được những đối tác thương mại lâu dài”.

Để tổ chức được buổi giao lưu gặp gỡ các doanh nghiệp CNTT có quy mô lớn và nhiều nước tham dự như lần này còn có sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP.HCM (IPTC). Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc ITPC cho biết: “Chúng tôi rất cám ơn QTSC, SPA đã tin tưởng và mời ITPC hỗ trợ tổ chức buổi gặp mặt doanh nghiệp này. ITPC đã có kinh nghiệm xúc tiến thương mại trong nhiều năm qua, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ để mang đến sự thành công cho Diễn đàn”.
Ông Đỗ Thành Nhơn, Phó giám đốc công ty BTM Global Consulting, một trong những công ty đăng ký tham gia gặp mặt doanh nghiệp sớm nhất cho biết: “BTM Global Consulting là công ty chuyên gia công phần mềm cho thị trường Mỹ. Hiện công ty cũng đang có chiến lược mở rộng thị trường sang khu vực châu Á, châu Đại Dương và đặc biệt là thị trường Việt Nam. Qua buổi giao lưu này, tôi mong muốn công ty BTM sẽ tìm được đối tác trong lĩnh vực phát triển thị trường phần mềm bán lẻ, thương mại điện tử và khai thác và xử lý dữ liệu v.v…”.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có dịp gặp gỡ, giao lưu với các nước phát triển về CNTT trên thế giới, đồng thời tìm hiểu rõ xu hướng phát triển của ngành phần mềm trong những năm tiếp theo. Qua đó tìm ra hướng đi đúng cho doanh nghiệp mình, bắt kịp với sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thông qua buổi giao lưu này, doanh nghiệp có thể quảng bá hình ảnh của mình và đất nước ra thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia buổi giao lưu có thể đăng ký tại website www.spa2011.vn
Hoặc liên hệ với Phòng Bán hàng & Tiếp thị - Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung
ĐT: (84-8)37155055 - Fax: (84-8)37155985.