Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Chương trình giao lưu và gặp gỡ giữa Sở TT&TT với các doanh nghiệp CNTT

Thời gian: 14 giờ 00, thứ Sáu, ngày 06/01/2012
Tại: Nhà 3, CVPM QuangTrung, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM

Thời gian

Chương trình

Ghi chú
13:40 – 14:00

Đón khách

14:00 – 14:10
Tuyên bố  lý do, giới thiệu đại biểu
Ông Lâm Nguyễn Hải Long/PGĐ - CVPMQT

14:10 – 14:25
Phát biểu của Sở Thông tin và Truyền thông
Ông Nguyễn Tuấn Anh/PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông

14:25 – 15:30
Doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, đầu tư và góp ý các chính sách, biện pháp kiến nghị với Sở Thông tin và Truyền thông
e)  Các quy định về các sản phẩm CNTT công bố hợp quy: thông tư 30, 31/2011/TT-BTTTT
Doanh nghiệp trình bày trong 3 phút
15:30 – 16:00

Phản hồi ý kiến của GĐ Sở Thông tin và Truyền thông với các DN trong lĩnh vực CNTT
Ông Nguyễn Anh Tuấn/PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông

16:00
Kết thúc Hội nghị


Thông tin đính kèm:
-          Thư mời tham dự
-          Quý doanh nghiệp vui lòng điền vào Phiếu ghi nhận ý kiến doanh nghiệp và gửi về địa chỉ bên dưới trước ngày 31/12/2011 và đăng ký tham dự trước ngày 03/01/2012

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:

Ms. Ngọc Mai - Phòng Bán hàng và Tiếp thị
Email: ngocmai@qtsc.com.vn
Điện thoại: (84-8) 3715 5055

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

ASEAN tăng cường hợp tác phát triển nhân lực CNTT

(VEN) - “Là một khu vực giàu tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nổi bật là Singapore, Việt Nam, Thái Lan… các quốc gia ASEAN cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNTT để lấp đầy khoảng trống và hạn chế những tồn tại về nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh cho các quốc gia trong khu vực trên thị trường CNTT quốc tế”, ông Barnik Chitran Maitra, đại diện Công ty McKinsey & Company - New Delhi - Ấn Độ đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Nhân lực CNTT trong thế giới phẳng” vừa diễn ra tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TP.HCM.
Thiếu và yếu nhân lực CNTT
Theo ông Muhammad Imran Kunalan bin Abdullah - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đa phương tiện (Mdec) Malaysia, các nước trong khu vực ASEAN có nhiều tiềm năng về phát triển CNTT, tuy nhiên, sự hạn chế về nguồn nhân lực chính là điểm yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia này. Tại Malaysia, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT giai đoạn 2011-2015 là 120.000 người, trong đó cần 15.000 người nhập từ các nước. Qua đó cho thấy, nguồn nhân lực hiện tại còn khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu phát triển lại cao. Ông Thanachart Numnonda - Giám đốc Công viên Phần mềm Thái Lan cũng cho biết, kế hoạch hợp tác phát triển cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2015 sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng thể về cơ hội phát triển công nghiệp phần mềm và cần một nguồn nhân lực để bắt kịp đà phát triển. Theo đó, nhu cầu nhân lực để các nước như Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia phát triển ngành CNTT tương xứng với tiềm năng là rất lớn tuy nhiên hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thị trường.
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện trạng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đang ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Với 250.000 kỹ sư CNTT bao gồm cả công nghiệp phần mềm, phần cứng, dịch vụ và nội dung số, tốc độ tăng trưởng trung bình vẫn từ 25-35 %, tuy nhiên nguồn nhân lực lại thiếu ở lĩnh vực phần mềm, dịch vụ CNTT. Chỉ có khoảng 13% chuyên gia cung cấp các giải pháp tổng thể, chuyên gia có thể thiết kế hệ thống, phần mềm, có các chứng chỉ quốc tế về CNTT. Hiện cả nước có 277 trường đại học và cao đẳng có đào tạo CNTT, cuối năm 2010, có 60.000 sinh viên nhập học chuyên ngành CNTT, gấp đôi so với 2006 và có khoảng 30.000 sinh viên tốt nghiệp. Song sức hấp dẫn của ngành học CNTT đang giảm sút, tỷ lệ sinh viên đăng ký dự thi CNTT thấp hơn so với nhiều ngành khác, như ngân hàng, tài chính, luật. Hơn nữa, lương trong lĩnh vực CNTT Việt Nam chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, sự non yếu về kỹ năng của nguồn nhân lực vẫn đang là vấn đề nhức nhối của ngành CNTT Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT khả năng ngoại ngữ còn yếu, trình độ chuyên môn thấp. Cụ thể như lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử thiếu những cán bộ CNTT vừa có thể là kỹ sư CNTT vừa biết cách làm thương mại điện tử.
ASEAN tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực CNTT   
Đa số đại biểu các nước ASEAN tán đồng với ý kiến: Khu vực ASEAN nên có những cộng tác sâu về nguồn lực, tạo ra điểm đến về thương hiệu cung ứng nhân lực tốt cũng như tái xuất khẩu các dịch vụ CNTT toàn cầu; Các chương trình nhân lực tổng hợp giữa các nước cần có lộ trình xây dựng kỹ năng CNTT nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia lớn; Ngoài ra, cần canh tân về nguồn nhân lực để phản ứng nhanh với các thay đổi và quản lý tốt để tồn tại…
Ông Muhammad Imran Kunalan bin Abdullah cho biết thêm, việc hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN tiến hành thông qua làm việc chung giữa các nước để tạo ra một đội ngũ nhân lực dồi dào và nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế phục vụ phát triển ngành CNTT.
Khẳng định quyết tâm hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành CNTT, bà Sarimah Lafif - Tổng giám đốc Liên đoàn CNTT Brunei nhấn mạnh, chúng tôi hy vọng các nước trong khu vực ASEAN và các thành viên Liên minh các công viên phần mềm châu Á - châu Đại Dương SPA sẽ cùng hợp tác với nhau để trở thành một nơi cung cấp nguồn nhân lực CNTT cho toàn cầu.
Về phần mình, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai phát triển nguồn nhân lực đến năm 2015 có 30% sinh viên Việt Nam đạt trình độ quốc tế có thể gia nhập ngay vào thị trường lao động; Đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư cơ sở nghiên cứu, trường đại học đạt chuẩn quốc tế; Tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia bậc cao theo đúng đặt hàng nhu cầu xã hội; Tăng cường các khóa đào tạo ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, xã hội, người dân, triển khai các khóa đào tạo CNTT trực tuyến. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chương trình 1+4, đó là chương trình 1 năm đầu đào tạo tiếng Anh, tiếng Nhật, 4 năm còn lại đào tạo xen kẽ vừa tiếng Anh, tiếng Nhật và chuyên ngành CNTT.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), với quyết tâm kiến tạo một đội ngũ nhân lực trình độ quốc tế, Công viên Phần mềm Quang Trung vừa đưa ra bốn mô hình hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Việt Nam. Ở mô hình thứ nhất, QTSC đào tạo nguồn nhân lực CNTT mới ra trường, mô hình thứ hai là xuất khẩu nhân lực CNTT đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mô hình thứ ba là trao đổi nhân lực với các đối tác nước ngoài trong việc đào tạo kỹ sư công nghệ, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp trong nước, đối tác… Mô hình cuối cùng là hợp tác với các trường đại học, các tổ chức đào tạo quốc tế có uy tín trên thế giới.
Trong năm tới, QTSC dự kiến sẽ mở một viện đào tạo chuyên về CNTT và ngay trong năm 2012, học viện sẽ đào tạo khoảng 300 kỹ sư, xuất khẩu khoảng 100 kỹ sư. Từ năm 2012-2015, mỗi năm tỷ lệ đào tạo tăng khoảng 50%, xuất khẩu nhân lực tăng khoảng 30%. Năm 2016, QTSC sẽ thành lập trường cao đẳng CNTT quốc tế với bốn khoa chuyên về CNTT.
Bằng quyết tâm của các quốc gia trong khu vực ASEAN, hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành CNTT khu vực trong tương lai, nâng cao năng lực cạnh tranh trên bản đồ công nghệ thế giới…/.
Hồng Ánh

Gia tăng thương hiệu Việt trên thị trường CNTT

(VEN) - Với mục tiêu tạo thị trường cho các sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-TT) Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho DN Việt, đồng thời hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức triển lãm sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2011 - VIBRAND.
Ngành CNTT Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, doanh số liên tục tăng qua các năm và số lượng DN Việt hiện diện trên thị trường ngày càng nhiều. Số liệu điều tra từ sách trắng về CNTT-TT năm 2010 cho thấy, lĩnh vực CNTT Việt Nam nói chung đã giải quyết được việc làm cho khoảng 250.000 người, tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 25%. Tại các mảng của CNTT như phần cứng, phần mềm, dịch vụ CNTT đều có các DN Việt được người tiêu dùng biết đến như FPT Elead, CMS, Mekong Xanh, VTB, TMA Solution, MISA, BKAV… Các DN này đã không ngừng nghiên cứu và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng DN và xã hội, xuất khẩu sang các quốc gia khác trên thể giới. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn kém cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập. Nhiều DN cho rằng bên cạnh những điểm yếu về giá thành, mẫu mã, tính năng, hoạt động R&D chưa phát triển mạnh… làm giảm giá trị của sản phẩm thì tư tưởng “sính ngoại” của người tiêu dùng cũng là một nguyên nhân làm cho sản phẩm Việt gặp khó trên sân nhà.
Bên cạnh đó, không ít DN Việt Nam đang sở hữu những công nghệ lõi tiên tiến, nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Đó là do DN chưa tạo được thương hiệu đủ mạnh để nhận diện trong vô vàn đối thủ cạnh tranh như hiện nay, lúng túng trong xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường. Nhiều DN cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến DN CNTT và sản phẩm thương hiệu Việt “lép vế” trên sân nhà là DN Việt Nam chủ yếu gia công, chưa chú trọng chính sách khuyến khích nội địa hoá và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Công tác R&D yếu nên không thể có sản phẩm chiều sâu, không ra được các khuôn mẫu chất lượng.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, mục tiêu đến năm 2015, tổng doanh thu toàn ngành CNTT đạt từ 10-12 tỷ USD, đồng thời hình thành được một số sản phẩm phần cứng điện tử mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Do vậy, cùng với việc cụ thể hóa và thực thi các chính sách ưu tiên phát triển, những chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quảng bá sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thực sự cần thiết, giúp các đối tác, người tiêu dùng trong và ngoài nước cùng biết đến để dễ dàng hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để gia tăng thương hiệu Việt trên thị trường CNTT, ông Lữ Hồng Chương - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA, cho rằng, DN CNTT cần tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới nhằm đa dạng sản phẩm CNTT sản xuất trong nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT. Nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng. Tích cực đưa sản phẩm tham gia các chương trình, dự án Chính phủ nhằm cung cấp sản phẩm đến người sử dụng. Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch TMA Solution, nhấn mạnh, cần chú trọng chính sách khuyến khích nội địa hoá và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Các sản phẩm CNTT muốn khẳng định thương hiệu Việt trên sân nhà cần phải xây dựng được một nền công nghiệp CNTT, đặc biệt là R&D, nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập môi trường quốc tế.
Về phía Bộ Thông tin – Truyền thông, bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, Chính phủ sẽ tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thông qua một số giải pháp như: Thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý nhằm thúc đẩy sử dụng hàng sản xuất trong nước; Bộ Thông tin – Truyền thông cập nhật và ban hành danh mục sản phẩm CNTT sản xuất trong nước; Tổng hợp báo cáo về thực trạng mua sắm sản phẩm CNTT hiện nay lên Thủ tướng Chính phủ và đề xuất nhằm thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt. Lựa chọn các DN và sản phẩm hỗ trợ tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng…/.
Hồng Ánh

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Triển lãm sản phẩm, dịch vụ Công nghệ thông tin thương hiệu Việt

(tapchibcvt.gov.vn) - Ngày 01/12/2011, Chương trình “Phát triển Sản phẩm dịch vụ Công nghệ Thông tin thương hiệu Việt” đã chính thức khai mạc. Đây là sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và phối hợp với Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) diễn ra trong 2 ngày 01 và 02/12/2011, tại Công viên Phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12 thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình bao gồm 2 hoạt động chính: hội thảo chuyên đề và triển lãm trưng bày các sản phẩm dịch vụ CNTT thương Hiệu Việt.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Triển lãm 
Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp CNTT tìm hiểu định hướng phát triển của ngành, đồng thời giới thiệu các sản phẩm và giải pháp hữu ích đến với cộng đồng CNTT Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Triển lãm với gần 50 gian hàng của 35 doanh nghiệp giới thiệu hơn 100 loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Các doanh nghiệp tiêu biểu như: Viettel, CMC, CMS, MISA, BKAV, Naiscorp, TMA,... v.v…

Tới dự và cắt băng khai mạc triển lãm có các ông: Nguyễn Minh Hồng - TT Bộ TT&TT; Lê Bá Trình - P.Chủ tịch UBMTTQ VN, Lê Thái Hỷ - GĐ Sở TT&TT TP.HCM; Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên QTSC… và đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT, UBND thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nguyễn Minh Hồng cho biết: Việc tổ chức triển lãm này nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, về những giải pháp chủ yếu tập trung kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…

 
Đại diện Bộ TT&TT, UBMTTQ Việt Nam, QTSC cắt băng khai mạc triển lãm

Mạnh Vỹ

Khai mạc Hội thảo “Nhân lực công nghệ thông tin trong thế giới phẳng” và Triển lãm “Sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt”

(Mic.gov.vn) - Hai sự kiện đồng thời diễn ra sáng nay 01/12/2011, tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) - Phường Tân Chánh Hiệp - Q.12- TP. Hồ Chí Minh, do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và QTSC phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lê Thái Hỷ cùng gần 300 đại biểu trong nước, quốc tế hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, sản xuất kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin đã tới dự.
Trong bài phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: “…Chính phủ Việt Nam đã luôn chú ý đến sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm và các dịch vụ CNTT. Thực tế, ngành công nghiệp CNTT đã trở thành một trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển nguồn nhân lực, nhưng vẫn đang phải đối mặt với những thách thức cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Hội nghị này sẽ tìm ra tiếng nói chung về yêu cầu và khả năng cung cấp nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực, từ đó đáp ứng nhu cầu thực tế của các nước trong khu vực và thế giới. Với sự kiện này, thành viên trong Liên minh các Công viên Phần mềm Châu Á - Châu Đại Dương (SPA) cùng nhau cộng tác mở cửa thị trường trong các nước ASEAN vào năm 2015.
Ông Lê Thái Hỷ - GĐ Sở TT&TT, thay mặt UBNDTP.HCM khẳng định: “…Tp. HCM xác định CNTT là một trong 4 ngành công nghệ mũi nhọn và dịch vụ viễn thông, và là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của chiến lược phát triển KT-XH. Luôn quan tâm đến trường đào tạo và doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa “đầu ra và đầu vào”. QTSC, là một địa chỉ đáng tin cậy, một thương hiệu có uy tín không những trong ngành CN phần mềm Việt Nam và cả trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT của thành phố và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó GĐ điều hành QTSC- Chủ tịch SPA-2011 cho biết, với chủ đề “Nhân lực công nghệ thông tin trong thế giới phẳng”, do QTSC, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và Liên minh các Công viên Phần mềm Châu Á - Châu Đại Dương (SPA) đã cùng chủ trì, tại diễn đàn này các diễn giả giới thiệu về nhu cầu khả năng hợp tác nguồn nhân lực, cũng như các mô hình hợp tác phát triển nhân lực, đó là các ông: Barnik Chitran Maitra-Đại diện Cty McKinsey & Company-New Delhi-Ấn Độ; Nguyễn Trọng Đường, Bộ TT&TT; Muhammad Imran Kunalan bin Abdullah, đại diện Tập đoàn Mdec-Malysia; Thanachart Numnona-GĐ Công viên phần mềm Thái Lan; Nguyễn Đức Hiền-GĐ-QTSC. Sau các tham luận, các đại biểu cùng với diễn giả thảo luận các vấn đề được nêu ra với sự dẫn đề của ông Lâm Nguyễn-GĐ IDC Việt Nam.
Ông Long cho biết thêm, trước đó (ngày 30/11/2011), Liên minh các công viên phần mềm Châu Á Thái Bình Dương (The Asia Oceania Regional Software Park Alliance-SPA) đã kế nạp Công viên phần mềm Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh trở thành thành viên thứ 23 của Liên Minh. Và đại diện của Brunei đã được bầu giữ chức chủ tịch nhiệm kỳ 2012-2013.   
Song song với Hội thảo “Nhân lực công nghệ thông tin trong thế giới phẳng”  là Hội thảo nói về sản phẩm CNTT do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mang “Thương hiệu Việt”. 27 doanh nghiệp VN đến từ các Cty sản xuất phần cứng, phần mềm và dịch vụ, nội dung số đã mang tới những bài tham luận giới thiệu và quảng bá cho sản phẩm của mình như: “Sản phẩm y tế và Giáo dục”, “Sản phẩm phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành trong cơ quan nhà nước”; “sản phẩm phần cứng dịch vụ và nội dung số CNTT thương hiệu Việt”.
Cũng trong sáng nay 1/12/2011, các đại biểu đã chứng kiến: Lễ khai mạc triển lãm “Sản phẩm, dịch vụ CNTT Thương hiệu Việt”. Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển của VIBRAND. Với sự tham gia của 35 doanh nghiệp, trưng bày hơn 100 loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau tại 50 gian hàng. Mà chủ lực, nổi trội là các sản phẩm của: Viettel; MISA; TMA; CMS; CMC; BKAV; Mekong Xanh..
Tới dự và cắt băng khai mạc triển lãm có các ông: Nguyễn Minh Hồng-TT Bộ TT&TT; Lê Bá Trình, P.Chủ tịch UBMTTQ VN. Lê Thái Hỷ, GĐ Sở TT&TT TP.HCM; Chu Tiến Dũng-Chủ tịch Hội đồng Thành viên QTSC. Triển lãm thu hút hơn 1.000 lượt khách tham quan và sẽ diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/12/2011.
Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nguyễn Minh Hồng đã phát biểu: việc tổ chức triển lãm này nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, về những giải pháp chủ yếu tập trung kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CNTT Việt Nam luôn đạt mức 20-25%/năm, gấp từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Công nghệ phần mềm VN nằm trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu. Công nghệ phần cứng phát triển nhanh, trong năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính và các thiết bị viễn thông tăng 30% (so với 2009), đạt 3,6 tỷ USD.
Ngoài việc, các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình thì cũng cần có những kiến nghị với Chính phủ về các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Sắp tới đây Bộ TT&TT cũng sẽ rà soát, đánh giá các sản phẩm và dịch CNTT trong nước nhằm xây dựng và cập nhật “Danh mục sản phẩm CNTT trong nước được ưu tiên đầu tư mua sắm” và làm cơ sở để các cơ quan triển khai các dự án đầu tư CNTT, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mua sắm với tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và dự kiến, đây sẽ là hoạt động thường niên của Bộ TT&TT triển khai nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT./.
Thông tin về hai sự kiện trên có thể tham khảo tại: www.spa2011.vnwww.vibrand.vn 

Hồng Loan
CQĐD Bộ TT&TT tại TP.HCM

Triển lãm sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt

(VnExpress) - Sáng ngày 1/12, tại Công viên phần mềm Quang Trung đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về lĩnh vực CNTT song song với việc khai mạc triển lãm sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt.
Nhiều sản phẩm máy chủ, phần mềm Việt được giới thiệu trong sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TP HCM.
Công ty Nhân Sinh Phúc giới thiệu sản phẩm tủ dành cho máy chủ Vietrack S-Series lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Vietrack S-Series được làm từ thép tấm Nippon Steel, kết cấu iFlex-Frame với khung kết nối đa điểm, tháo ráp dễ dàng. Khung tủ chịu được tải trọng 1200 kg, độ thông thoáng 80%, thích hợp cho trung tâm dữ liệu hay phòng chứa máy chủ.
Trong khi đó, công ty Viết Sơn giới thiệu sản phẩm máy tính All in One được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.
Hệ thống máy tính và máy chủ Mekong Green.
Giải pháp eHotel dựa trên công nghệ IPTV (Internet Protocol Television) dành cho khách sạn và resort. eHotel có thể kết nối đồng bộ với các chương trình quản lý khách sạn khác, quảng bá giới thiệu thông tin của cơ sở lưu trú, thông tin ẩm thực, chi phí, lịch..., hỗ trợ tiếng Việt, tiếng Anh, Nhật, Nga...
Công ty TMA Solution cung cấp giải pháp, ứng dụng cho các thiết bị di động trên nhiều nền tảng như iOS, Android, BlackBerry, Symbian, Windows Phone...
Các giải pháp công nghệ dùng trên thiết bị di động hay dịch vụ điện toán đám mây quản lý điều hành doanh nghiệp cũng được nhiều công ty tập trung khai thác.
Hệ thống tổng đài truyền thông hợp nhất, điện thoại IP tạo mạng lưới liên lạc hiệu quả trong doanh nghiệp.
Digi-Texx cung cấp dịch vụ số hóa tài liệu như scan và và chuyển đổi dữ liệu sang định dạng số hay những file tương thích với thiết bị đọc sách điện tử, ứng dụng nhận dạng ký tự quang học (ORC), quản lý dữ liệu...
Những phần mềm thuần Việt tiếp cận được nhu cầu của người dùng cá nhân cũng như các doanh nghiệp trong nước.
Hệ thống điều khiển nhà thông minh HomeOn của công ty HTSV quản lý toàn bộ thiết bị trong nhà như chiếu sáng, cửa, điều hòa, cảm biến rò rỉ gaz, khói, chuyển động... Hệ thống có thể được điều khiển từ xa qua điện thoại di động, laptop, máy tính bảng hay PDA.`
Viettel tập trung vào hệ thống quản lý giám sát xe trực tuyến Vtracking bằng công nghệ định vị toàn cầu GPS, hệ thống thông tin địa lý GIS. Ngoài ra còn có dịch vụ V-Office giúp doanh nghiệp tự động hóa công việc quản lý hành chính, dịch vụ chứng thực chữ ký số CA...
Chương trình giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trong hai ngày 1 và 2/12 tại Công viên Phần mềm Quang Trung TP HCM

Hà Mai - VnExpress

Hội thảo “Nhân lực công nghệ thông tin trong thế giới phẳng”

(TBKTSG Online) - Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) vừa đưa ra bốn mô hình hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Việt Nam, tiến tới mở viện đào tạo chuyên về công nghệ thông tin, theo ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc QTSC tại hội thảo “Nhân lực công nghệ thông tin trong thế giới phẳng” vào sáng nay 1-12.

Ông Nguyễn Đức Hiền, (thứ 2 từ phải qua) và các diễn giả đang trao đổi tìm cơ hội hợp tác về đào tạo nhân lực CNTT với các nước trong khu vực Asean - Ảnh: Đình Nghĩa
Theo ông Hiền, ở mô hình thứ nhất, QTSC đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) mới ra trường, mô hình thứ hai là xuất khẩu nhân lực CNTT đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, mô hình thứ ba là trao đổi nhân lực với các đối tác nước ngoài trong việc đào tạo kỹ sư công nghệ, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp trong nước, đối tác… Mô hình cuối cùng là hợp tác với các trường đại học, các tổ chức đào tạo quốc tế có uy tín trên thế giới.
“Hiện tại, QTSC đang đẩy mạnh triển khai mô hình thứ ba bằng việc tuyển các kỹ sư giỏi sau đó cử đi đào tạo tại Nhật khoảng từ ba đến năm năm, để họ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm của người Nhật, cách làm việc của người Nhật… sau đó trở về dạy lại cho các kỹ sư khác để cung cấp nhân lực cho chính các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Hiền cũng cho hay, trong năm tới, QTSC dự kiến mở một viện đào tạo chuyên về CNTT. Viện đào tạo này sẽ đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp về các kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ chuyên về CNTT. Bên cạnh đó, viện này cũng đào tạo các kỹ sư để xuất khẩu chuyên gia sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khối Asean.
Về lộ trình, theo ông Hiền, dự kiến năm sau học viện sẽ đào tạo khoảng 300 kỹ sư, xuất khẩu khoảng 100 kỹ sư. Từ năm 2012 đến 2015, mỗi năm tỷ lệ đào tạo tăng khoảng 50%, xuất khẩu nhân lực tăng khoảng 30%. Năm 2016 QTSC sẽ thành lập trường cao đẳng CNTT quốc tế với bốn khoa chuyên về CNTT.
Đình Nghĩa

Chương trình “Sản phẩm dịch vụ Công nghệ thông tin Thương Hiệu Việt”

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 01 tháng 12 năm 2011: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và phối hợp với Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức Chương trình “Phát triển Sản phẩm dịch vụ Công nghệ Thông tin thương hiệu Việt” vào ngày 01 và 02 tháng 12 năm 2011, tại Công viên Phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12 thành phố Hồ Chí Minh.
CNTT-TT là một lĩnh vực phát triển nhanh với sự đổi mới diễn ra liên tục, thị trường có tính cạnh tranh mạnh mẽ, chương trình này là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp CNTT tìm hiểu định hướng phát triển của ngành, đồng thời giới thiệu các sản phẩm và giải pháp hữu ích đến với cộng đồng CNTT Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Chương trình sẽ bao gồm 2 hoạt động chính: hội thảo chuyên đề và triển lãm trưng bày các sản phẩm dịch vụ CNTT thương Hiệu Việt.
Chương trình hội thảo với 3 chuyên đề “Sản phẩm phần mềm trong Y tế và Giáo dục”; “Sản phẩm phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành trong cơ quan nhà nước”, “Sản phẩm phần cứng, dịch vụ và nội dung số CNTT thương hiệu Việt”. Chương trình có sự tham gia của 27 diễn giả đến từ các công ty sản xuất phần mềm, phần cứng, và dịch vụ CNTT.  
Song song đó triển lãm với gần 50 gian hàng của 35 doanh nghiệp giới thiệu hơn 100 loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Các doanh nghiệp tiêu biểu như: Viettel, CMC, CMS, MISA, BKAV, TMA, . v.v…
Sau chương trình hội thảo và triển lãm lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai nhiều hoạt động tiếp theo như :
 - Cập nhật định kỳ danh mục các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm theo Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 về việc quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
- Xây dựng và phát hành ấn phẩm “Danh mục các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt”.
Thông tin chi tiết của hội thảo có tại website: www.vibrand.vn


Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Ms. Ngọc Hoa
Ban Thư ký và Truyền thông QTSC
Điện thoại: (848) 3715 8057 
HP: 0982 990 147  

  
          Mr. Phạm Duy Yên
             Bộ Thông tin và Truyền thông
          HP: 0982 415 500
          Email: phamyen@mic.gov.vn

Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành thành viên thứ 23 của Liên minh các công viên phần mềm Châu Á – Châu Đại dương (SPA)

Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành thành viên thứ 23 của Liên minh các công viên phần mềm Châu Á – Châu Đại dương (SPA)
Công viên phần mềm ĐHQG TP.HCM (VNU-ITP) cùng với Công viên phần mềm Quang Trung là hai đại diện của Việt Nam tham gia SPA

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 01 tháng 12 năm 2011: Liên minh các Công viên Phần mềm Châu Á - Châu Đại Dương (SPA) đã tổ chức cuộc họp thường niên hàng năm vào ngày 30/11/2011 tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Q.12, TP.HCM, Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm chia sẻ thông tin giữa các thành viên SPA, tiêu biểu như Diễn đàn 2011 với chủ đề “công viên phần mềm: định hướng 2020” vào tháng 7/2011; khởi động chương trình SLZ (Soft landing zone) nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nội bộ Liên minh, hiện nay có 5 khu phần mềm đã chính thức triển khai từ 4 nền kinh tế  Macau, Malaysia, Thailand và Việt Nam. Nhiều cuộc trao đổi cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và doanh nghiệp các nước cũng như thực hiện việc quảng bá hình ảnh của SPA với cộng đồng quốc tế thông qua các kênh truyền thông của các nước. Theo kết quả từ cuộc họp nội bộ thường niên, SPA đã thống nhất kết nạp Công viên phần mềm ĐHQG TP.HCM (VNU-ITP) trở thành thành viên thứ 23 của SPA. Ngoài Công viên phần mềm Quang Trung thì đây là đại diện thứ hai của Việt Nam tham gia vào sân chơi tầm khu vực SPA” Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch SPA nhiệm kỳ 2011 cho biết.

 Lễ kết nạp Công viên phần mềm Đại học Quốc gia Tp.HCM
vào Liên minh các khu phần mềm Châu Á - Châu Đại Dương (SPA)
Bên cạnh đó, cũng trong cuộc họp nội bộ, các thành viên SPA cũng thống nhất bầu Bà Pg Sarimah Hj Abd Lafif, tổng giám đốc liên đoàn CNTT Brunei đảm nhận chức Chủ tịch SPA trong nhiệm kỳ 2012 thay cho Ông Lâm Nguyễn Hải Long – Phó Giám đốc QTSC.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long tặng hoa chúc mừng tân chủ tịch SPA nhiệm kỳ 2012 - Bà Pg Sarimah Hj Abd Lafif, tổng giám đốc liên đoàn CNTT Brunei 

Nguồn: Ngọc Hoa - QTSC

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Gần 80 nhà báo tham dự buổi họp báo tại Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

Chiều ngày 14/07/2011 Bộ Thông tin và Truyền thông, Công viên Phần mềm Quang Trung đã tổ chức buổi họp báo tại Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu chương trình “Sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt - Vibrand” và Hội thảo “Nhân lực công nghệ thông tin trong thế giới phẳng”. Đây là hoạt động kép được diễn ra trong các ngày 01 và 02/12/2011 tại Công viên Phần mềm Quang Trung.

Chủ trì buổi họp báo là ông Lâm Nguyễn Hải Long – Phó giám đốc QTSC kiêm Chủ tịch liên minh các công viên phần mềm Châu Á – Châu Đại dương (SPA) và ông Phạm Duy Yên – Thường trực Ban tổ chức chương trình Vibrand.

Trong buổi họp báo, các nhà báo rất quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nào sẽ được trưng bày và sản phẩm phần cứng, phần mềm nào đủ tiêu chuẩn tham gia giới thiệu tại triển lãm. Theo ông Phạm Duy Yên, đây là chương trình giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, các sản phẩm do các công ty Việt Nam sản xuất phục vụ cho thị trường trong và ngoải nước đều đủ điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng sẽ giành một số gian hàng cho các công ty nước ngoài sử dụng sản phẩm CNTT của Việt Nam trong quá trình sản xuất để giới thiệu tại triển lãm.

Về hội thảo “Nhân lực công nghệ thông tin trong thế giới phẳng” do QTSC và SPA tổ chức, ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết nhu cầu nhân lực của Công viên Phần mềm Quang Trung trong năm 2012 dự kiến là trên 1000 kỹ sư, tuy nhiên những năm gần đây tại một số trường đào tạo ngành CNTT, số lượng thí sinh đăng kí vào ngành CNTT tại trường không đủ so với chỉ tiêu đề ra. Điều này là do sức hút của những ngành như thương mại, dịch vụ, ngân hàng. Để phát triển ngành CNTT xã hội cần nâng cao sự hiểu biết của học sinh và phụ huynh để thu hút sự quan tâm của giới trẻ vào học ngành CNTT. 

 
Toàn cảnh buổi họp báo chiều 14/11/2011
 
Các nhà báo cùng thảo luận sôi nổi về hai chủ đề của buổi họp báo

Nguồn: Ngọc Hoa - QTSC

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Triển lãm “Sản phẩm và dịch vụ Công nghệ Thông tin thương hiệu Việt”

Kính gửi Quý Doanh nghiệp,

Được sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc Gia về CNTT và Bộ Thông tin và Truyền thông, Công viên Phần mềm Quang Trung sẽ tổ chức triển lãm Sản phẩm và dịch vụ Công nghệ Thông tin thương hiệu Việt vào ngày 01 và 02/12/2011 tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Triển lãm hướng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, phần cứng và nội dung số tại Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam với các doanh nghiệp CNTT đến từ các quốc gia khác như: Malaysia, Singapore, Thái Lan...

Chương trình của chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông... Dự kiến chương trình triển lãm sẽ thu hút đông đảo khách tham quan đến từ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và nước ngoài, thành viên Liên minh các công viên phần mềm Châu Á và Châu Đại Dương, các khách mời tham dự 4 hội thảo chuyên đề cùng hơn 20.000 cán bộ công nhân viên, sinh viên đang học tập và làm việc tại Công viên Phần mềm Quang Trung cùng các khu vực lân cận.

Công viên Phần mềm Quang Trung trân trọng kính mời Quý Doanh nghiệp tham gia gian hàng triển lãm. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Quý Doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Để biết thêm thông tin, xin vui lòng truy cập trang web www.vibrand.vn hoặc liên hệ với Ms. Liên 3715 5055, Mobile: 0919 421 905, email: lien@qtsc.com.vn

Rất mong nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của Quý Doanh nghiệp.

Trân trọng kính chào.

Phó Giám đốc QTSC
Lâm Nguyễn Hải Long

Chương trình phát triển sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin thương hiệu Việt (VIBRAND)


Kính gửi Ông/Bà,

Chương trình phát triển sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin thương hiệu Việt (VIBRAND) dự kiến sẽ là hoạt động thường niên của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Bên cạnh đó, chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị Quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Với mục đích tạo thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, chương trình sẽ bao gồm các nội dung như Hội thảo phát triển sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, Trưng bầy “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt”. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm, dịch vụ của mình, đồng thời kiến nghị với Chính phủ về các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm tạo sự thuận lợi cho sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Đây cũng là dịp để Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, đánh giá các sản phẩm và dịch vụ CNTT trong nước, nhằm xây dựng và cập nhật Danh mục sản phẩm CNTT sản xuất được trong nước. Danh mục này sẽ là cơ sở để các cơ quan triển khai các dự án đầu tư CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT trong nước.
Sự kiện này không chỉ thu hút sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp làm CNTT-TT, mà còn thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp ứng dụng CNTT cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Do vậy, đây còn là cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bộ Thông tin và Truyền thông xin trân trọng thông báo và mời các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt cùng ủng hộ và nhiệt tình tham gia chương trình này.                     
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của Quý Doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn.
Ban Tổ Chức