Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

ASEAN tăng cường hợp tác phát triển nhân lực CNTT

(VEN) - “Là một khu vực giàu tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nổi bật là Singapore, Việt Nam, Thái Lan… các quốc gia ASEAN cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNTT để lấp đầy khoảng trống và hạn chế những tồn tại về nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh cho các quốc gia trong khu vực trên thị trường CNTT quốc tế”, ông Barnik Chitran Maitra, đại diện Công ty McKinsey & Company - New Delhi - Ấn Độ đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Nhân lực CNTT trong thế giới phẳng” vừa diễn ra tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TP.HCM.
Thiếu và yếu nhân lực CNTT
Theo ông Muhammad Imran Kunalan bin Abdullah - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đa phương tiện (Mdec) Malaysia, các nước trong khu vực ASEAN có nhiều tiềm năng về phát triển CNTT, tuy nhiên, sự hạn chế về nguồn nhân lực chính là điểm yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia này. Tại Malaysia, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT giai đoạn 2011-2015 là 120.000 người, trong đó cần 15.000 người nhập từ các nước. Qua đó cho thấy, nguồn nhân lực hiện tại còn khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu phát triển lại cao. Ông Thanachart Numnonda - Giám đốc Công viên Phần mềm Thái Lan cũng cho biết, kế hoạch hợp tác phát triển cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2015 sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng thể về cơ hội phát triển công nghiệp phần mềm và cần một nguồn nhân lực để bắt kịp đà phát triển. Theo đó, nhu cầu nhân lực để các nước như Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia phát triển ngành CNTT tương xứng với tiềm năng là rất lớn tuy nhiên hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thị trường.
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện trạng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đang ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Với 250.000 kỹ sư CNTT bao gồm cả công nghiệp phần mềm, phần cứng, dịch vụ và nội dung số, tốc độ tăng trưởng trung bình vẫn từ 25-35 %, tuy nhiên nguồn nhân lực lại thiếu ở lĩnh vực phần mềm, dịch vụ CNTT. Chỉ có khoảng 13% chuyên gia cung cấp các giải pháp tổng thể, chuyên gia có thể thiết kế hệ thống, phần mềm, có các chứng chỉ quốc tế về CNTT. Hiện cả nước có 277 trường đại học và cao đẳng có đào tạo CNTT, cuối năm 2010, có 60.000 sinh viên nhập học chuyên ngành CNTT, gấp đôi so với 2006 và có khoảng 30.000 sinh viên tốt nghiệp. Song sức hấp dẫn của ngành học CNTT đang giảm sút, tỷ lệ sinh viên đăng ký dự thi CNTT thấp hơn so với nhiều ngành khác, như ngân hàng, tài chính, luật. Hơn nữa, lương trong lĩnh vực CNTT Việt Nam chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, sự non yếu về kỹ năng của nguồn nhân lực vẫn đang là vấn đề nhức nhối của ngành CNTT Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT khả năng ngoại ngữ còn yếu, trình độ chuyên môn thấp. Cụ thể như lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử thiếu những cán bộ CNTT vừa có thể là kỹ sư CNTT vừa biết cách làm thương mại điện tử.
ASEAN tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực CNTT   
Đa số đại biểu các nước ASEAN tán đồng với ý kiến: Khu vực ASEAN nên có những cộng tác sâu về nguồn lực, tạo ra điểm đến về thương hiệu cung ứng nhân lực tốt cũng như tái xuất khẩu các dịch vụ CNTT toàn cầu; Các chương trình nhân lực tổng hợp giữa các nước cần có lộ trình xây dựng kỹ năng CNTT nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia lớn; Ngoài ra, cần canh tân về nguồn nhân lực để phản ứng nhanh với các thay đổi và quản lý tốt để tồn tại…
Ông Muhammad Imran Kunalan bin Abdullah cho biết thêm, việc hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN tiến hành thông qua làm việc chung giữa các nước để tạo ra một đội ngũ nhân lực dồi dào và nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế phục vụ phát triển ngành CNTT.
Khẳng định quyết tâm hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành CNTT, bà Sarimah Lafif - Tổng giám đốc Liên đoàn CNTT Brunei nhấn mạnh, chúng tôi hy vọng các nước trong khu vực ASEAN và các thành viên Liên minh các công viên phần mềm châu Á - châu Đại Dương SPA sẽ cùng hợp tác với nhau để trở thành một nơi cung cấp nguồn nhân lực CNTT cho toàn cầu.
Về phần mình, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai phát triển nguồn nhân lực đến năm 2015 có 30% sinh viên Việt Nam đạt trình độ quốc tế có thể gia nhập ngay vào thị trường lao động; Đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư cơ sở nghiên cứu, trường đại học đạt chuẩn quốc tế; Tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia bậc cao theo đúng đặt hàng nhu cầu xã hội; Tăng cường các khóa đào tạo ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, xã hội, người dân, triển khai các khóa đào tạo CNTT trực tuyến. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chương trình 1+4, đó là chương trình 1 năm đầu đào tạo tiếng Anh, tiếng Nhật, 4 năm còn lại đào tạo xen kẽ vừa tiếng Anh, tiếng Nhật và chuyên ngành CNTT.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), với quyết tâm kiến tạo một đội ngũ nhân lực trình độ quốc tế, Công viên Phần mềm Quang Trung vừa đưa ra bốn mô hình hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Việt Nam. Ở mô hình thứ nhất, QTSC đào tạo nguồn nhân lực CNTT mới ra trường, mô hình thứ hai là xuất khẩu nhân lực CNTT đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mô hình thứ ba là trao đổi nhân lực với các đối tác nước ngoài trong việc đào tạo kỹ sư công nghệ, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp trong nước, đối tác… Mô hình cuối cùng là hợp tác với các trường đại học, các tổ chức đào tạo quốc tế có uy tín trên thế giới.
Trong năm tới, QTSC dự kiến sẽ mở một viện đào tạo chuyên về CNTT và ngay trong năm 2012, học viện sẽ đào tạo khoảng 300 kỹ sư, xuất khẩu khoảng 100 kỹ sư. Từ năm 2012-2015, mỗi năm tỷ lệ đào tạo tăng khoảng 50%, xuất khẩu nhân lực tăng khoảng 30%. Năm 2016, QTSC sẽ thành lập trường cao đẳng CNTT quốc tế với bốn khoa chuyên về CNTT.
Bằng quyết tâm của các quốc gia trong khu vực ASEAN, hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành CNTT khu vực trong tương lai, nâng cao năng lực cạnh tranh trên bản đồ công nghệ thế giới…/.
Hồng Ánh

Gia tăng thương hiệu Việt trên thị trường CNTT

(VEN) - Với mục tiêu tạo thị trường cho các sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-TT) Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho DN Việt, đồng thời hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức triển lãm sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2011 - VIBRAND.
Ngành CNTT Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, doanh số liên tục tăng qua các năm và số lượng DN Việt hiện diện trên thị trường ngày càng nhiều. Số liệu điều tra từ sách trắng về CNTT-TT năm 2010 cho thấy, lĩnh vực CNTT Việt Nam nói chung đã giải quyết được việc làm cho khoảng 250.000 người, tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 25%. Tại các mảng của CNTT như phần cứng, phần mềm, dịch vụ CNTT đều có các DN Việt được người tiêu dùng biết đến như FPT Elead, CMS, Mekong Xanh, VTB, TMA Solution, MISA, BKAV… Các DN này đã không ngừng nghiên cứu và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng DN và xã hội, xuất khẩu sang các quốc gia khác trên thể giới. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn kém cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập. Nhiều DN cho rằng bên cạnh những điểm yếu về giá thành, mẫu mã, tính năng, hoạt động R&D chưa phát triển mạnh… làm giảm giá trị của sản phẩm thì tư tưởng “sính ngoại” của người tiêu dùng cũng là một nguyên nhân làm cho sản phẩm Việt gặp khó trên sân nhà.
Bên cạnh đó, không ít DN Việt Nam đang sở hữu những công nghệ lõi tiên tiến, nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Đó là do DN chưa tạo được thương hiệu đủ mạnh để nhận diện trong vô vàn đối thủ cạnh tranh như hiện nay, lúng túng trong xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường. Nhiều DN cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến DN CNTT và sản phẩm thương hiệu Việt “lép vế” trên sân nhà là DN Việt Nam chủ yếu gia công, chưa chú trọng chính sách khuyến khích nội địa hoá và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Công tác R&D yếu nên không thể có sản phẩm chiều sâu, không ra được các khuôn mẫu chất lượng.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, mục tiêu đến năm 2015, tổng doanh thu toàn ngành CNTT đạt từ 10-12 tỷ USD, đồng thời hình thành được một số sản phẩm phần cứng điện tử mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Do vậy, cùng với việc cụ thể hóa và thực thi các chính sách ưu tiên phát triển, những chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quảng bá sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thực sự cần thiết, giúp các đối tác, người tiêu dùng trong và ngoài nước cùng biết đến để dễ dàng hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để gia tăng thương hiệu Việt trên thị trường CNTT, ông Lữ Hồng Chương - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA, cho rằng, DN CNTT cần tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới nhằm đa dạng sản phẩm CNTT sản xuất trong nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT. Nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng. Tích cực đưa sản phẩm tham gia các chương trình, dự án Chính phủ nhằm cung cấp sản phẩm đến người sử dụng. Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch TMA Solution, nhấn mạnh, cần chú trọng chính sách khuyến khích nội địa hoá và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Các sản phẩm CNTT muốn khẳng định thương hiệu Việt trên sân nhà cần phải xây dựng được một nền công nghiệp CNTT, đặc biệt là R&D, nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập môi trường quốc tế.
Về phía Bộ Thông tin – Truyền thông, bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, Chính phủ sẽ tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thông qua một số giải pháp như: Thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý nhằm thúc đẩy sử dụng hàng sản xuất trong nước; Bộ Thông tin – Truyền thông cập nhật và ban hành danh mục sản phẩm CNTT sản xuất trong nước; Tổng hợp báo cáo về thực trạng mua sắm sản phẩm CNTT hiện nay lên Thủ tướng Chính phủ và đề xuất nhằm thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt. Lựa chọn các DN và sản phẩm hỗ trợ tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng…/.
Hồng Ánh