Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Chuỗi Hội thảo Công nghệ số (VNITO Tech Series) 2021: “Công nghệ cho bất động sản thời kinh tế số”

Chuỗi Hội thảo Công nghệ số (VNITO Tech Series) 2021: “Công nghệ cho bất động sản thời kinh tế số”

THƯ MỜI THAM DỰ CHUỖI HỘI THẢO CÔNG NGHỆ SỐ
VNITO Tech Series
Kết nối Cung cầu Giải pháp Công nghệ số
***

Chủ đề năm 2021: Công nghệ cho bất động sản thời kinh tế số
Bất động sản số và Tòa nhà thông minh

 

             Kính gửi: Quý đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các anh/chị quan tâm,  

Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), các doanh nghiệp xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhằm thay đổi cách thức hoạt động, vận hành của doanh nghiệp phù hợp với thời đại, tránh bị tụt hậu bỏ lại phía sau. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Việc triển khai chuyển đổi số sẽ mở ra cho các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng cơ hội tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả, phát triển bền vững ngay cả trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh và gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Sự phát triển của proptech (công nghệ cho lĩnh vực bất động sản) đã giúp lĩnh vực này có sự thay đổi diện mạo ngày càng rõ nét trong những năm gần đây. Hay nói cách khác, công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản “cất cánh“.

Với mong muốn mang đến những góc nhìn chuyên sâu của các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, giúp kết nối cung cầu về giải pháp công nghệ và chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp bất động sản phát triển mạnh mẽ và xây dựng gia tăng vị thế cạnh tranh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO) tổ chức Chuỗi Hội thảo Công nghệ số (VNITO Tech Series), chủ đề năm 2021 “Công nghệ cho bất động sản thời kinh tế số”, với thông tin chi tiết như sau:

-  Thời gian: 08g30 – 16g30, thứ tư, ngày 15/12/2021

 Địa điểm: Khách sạn REX Sài Gòn, 141 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM

- Chuỗi hội thảo cũng được đồng thời thực hiện dưới hình thức webinar và livestream trên các kênh truyền thông của QTSC, DXCenter, VNITO và các đối tác hỗ trợ của sự kiện.

- Chuỗi hội thảo gồm 02 phiên:

+ Hội thảo 1 (Buổi sáng): Công nghệ cho Tòa nhà thông minh

Hội thảo 2 (Buổi chiều): Bất động sản số - Xu thế mới, Cơ hội mới, Vận hội mới

Đối tượng khách mời tham gia sự kiện bao gồm: Lãnh đạo Thành phố và các Sở ngành; Lãnh đạo Thành phố Thủ Đức và các quận huyện; Các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức tư vấn, các hiệp hội ngành nghề liên quan trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng; nhóm chuyên gia tư vấn chuyển đổi số; các doanh nghiệp bất động sản, tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số; các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng.

Số lượng khách mời tham dự trực tiếp dự kiến khoảng 100 khách (theo qui định phòng chống dịch của UBND TP.HCM) và hơn 500 khách tham dự hội thảo trên hệ thống trực tuyến (webinar). Đồng thời hội thảo cũng được livestream trên các kênh truyền thông trực tuyến dự kiến tiếp cận hơn 10.000 lượt xem và tương tác.

Để hội thảo được diễn ra thành công, mang lại nhiều giá trị thiết thực, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bất động sản và xây dựng tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, Ban tổ chức trân trọng kính mời các đơn vị, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng, lĩnh vực công nghệ và các cá nhân quan tâm đăng ký tham gia sự kiện theo hình thức trực tuyến tại website của sự kiện: vnito2021.vnito.org. Sau khi nhận được đăng ký của Quý vị, Ban tổ chức sẽ lựa chọn các cá nhân, đơn vị tiêu biểu để mời tham dự sự kiện trực tiếp tại khách sạn REX.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự quan tâm, tham gia đồng hành của Quý vị đối với sự kiện này. Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia giới thiệu sản phẩm – giải pháp công nghệ hoặc tham gia tài trợ, hỗ trợ cho sự kiện, vui lòng liên hệ cô Tâm Phạm, điện thoại 0888 877 584, email: tampt@qtsc.com.vn.

Trân trọng./.

Đính kèm: Giới thiệu VNITO Tech Series 2021

Chuỗi Hội thảo Công nghệ số (VNITO Tech Series) 2021: “Công nghệ cho lĩnh vực bất động sản trong thời kinh tế số”

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Mời tham dự lễ trao giải “Cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh” và buổi tọa đàm “Công nghệ cho môi trường xanh”

Mời tham dự lễ trao giải “Cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh” và buổi tọa đàm “Công nghệ cho môi trường xanh”

QTSC và Bosch đã triển khai tổ chức cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh thành công với 57 dự án công nghệ đến từ thế hệ trẻ nhằm góp phần nâng cao chất lượng không khí và đề xuất giải pháp quản lý giao thông. Hoạt động này đã và đang góp phần nâng đỡ và tạo sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ thể hiện đam mê và hoài bão của mình, phát triển bản thân và trở thành nhân tài cho đất nước trong tương lai.

Nhằm vinh danh các đội thi xuất sắc của cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh, QTSC và Bosch tổ chức Lễ trao giải cho cuộc thi Hackathon và buổi tọa đàm ngắn trong khuôn khổ dự án này với chủ đề “Công nghệ cho môi trường xanh” vào thời gian từ 13g15 – 16g00 ngày 18/11/2021.

Kính mời Quí vị tham dự chương trình trên hệ thống trực tuyến Zoom qua link: https://bit.ly/3C4qMgJ 

Mời tham dự lễ trao giải “Cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh” và buổi tọa đàm “Công nghệ cho môi trường xanh”

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo của TS.BS Nguyễn Văn Hảo chủ đề “Covid-19 và các đối tượng có nguy cơ cao”

Buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo của TS.BS Nguyễn Văn Hảo chủ đề “Covid-19 và các đối tượng có nguy cơ cao”

Chiều ngày 05/11/2021, TS.BS Nguyễn Văn Hảo đã trả lời nhiều câu hỏi đặt ra từ khách hàng, đối tác và nhân sự làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung chủ đề “Covid-19 và các đối tượng có nguy cơ cao”. Các câu hỏi đều được bác sĩ trả lời rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu.

  1. Kính thưa bác sĩ, theo em được biết thì bệnh hen suyễn là bệnh liên quan đến đường hô hấp và gây khó khăn trong việc thở. Mà một biểu hiện của người mắc Covid-19 cũng là khó thở. Vậy thì làm cách nào để người mắc hen suyễn biết mình đã mắc Covid-19 nếu chỉ có biểu hiện là khó thở? Và người mắc hen suyễn thì nên làm gì để phòng tránh lây nhiễm bởi Covid-19?

Biểu hiện khó thở của bệnh hen suyễn khác những bệnh lý hô hấp khác, đặc biệt là Covid. Ví dụ, bệnh hen suyễn khó thở ở thì thở ra và nghe tiếng thở khò khè, còn Covid gây suy hô hấp nên ảnh hưởng lên cả hai thì thở, gây tổn thương đường hô hấp dưới, có biểu hiện viêm phổi là chính.

Người bị hen suyễn thường dùng rất nhiều loại thuốc, đặc biệt là những thuốc dạng khí dung để giúp giãn phế quản và những loại thuốc xịt để kháng viêm.

Hình 1: TS.BS Nguyễn Văn Hảo đang tư vấn chủ đề “Covid-19 và các đối tượng nguy cơ cao” 

Hình 1: TS.BS Nguyễn Văn Hảo đang tư vấn chủ đề “Covid-19 và các đối tượng nguy cơ cao”

  1. Kính thưa bác sĩ, người mắc bệnh nền đang sử dụng các loại thuốc để điều trị thì nếu mắc Covid-19 thì có tiếp tục uống thuốc điều trị bệnh nền không? Nếu có thì việc sử dụng song song cả hai loại thuốc có làm ảnh hưởng đến bệnh nền đang mắc không? Và sau khi khỏi Covid-19 thì bệnh nền đó có bị nặng hơn không?

Thông thường những người mắc bệnh nền sẽ có những loại thuốc họ phải uống thường xuyên, như tiểu đường, huyết áp, tim mạch,… nên khi mắc Covid-19 thì họ vẫn phải tiếp tục dùng những thuốc này để điều trị bệnh nền. Người bệnh sẽ được điều trị song song, nếu hai loại thuốc này có tương tác với nhau thì phải thay đổi liệu pháp điều trị cho phù hợp. Vì vậy khi mắc bệnh Covid-19 người bệnh phải khai báo y tế các loại bệnh nền mình đang điều trị, cũng như những loại thuốc mình đang uống để y bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị đồng thời hai loại bệnh một cách tốt nhất.

Thông thường bệnh nền sẽ làm cho bệnh Covid-19 nặng thêm. Còn ngược lại, chỉ đối với những trường hợp bị Covid-19 nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp, sau khi khỏi bệnh phổi sẽ bị sơ hóa một phần, để lại sẹo trên phổi, làm chức năng hô hấp bị suy giảm. Tuy nhiên, Covid chỉ gây ảnh hưởng lên bệnh nền trong quá trình điều trị. Sau khi hồi phục Covid, người bệnh vẫn điều trị bệnh nền như cũ và nó cũng không gây ảnh hưởng gì đến diễn tiến của bệnh nền sau đó.

  1. Kính thưa bác sĩ, nhiều người trẻ không thuộc các đối tượng nguy cơ cao, nhưng khi mắc Covid-19 vẫn bị rất nặng và cũng có nhiều trường hợp bị tử vong, xin bác sĩ giải thích lý do vì sao ạ?

Theo nghiên cứu, dựa theo lứa tuổi và bệnh nền, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong cao rơi vào đối tượng người già, người trên 50-60 tuổi, có bệnh nền,… Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một vài trường hợp người trẻ nhưng vẫn có thể bị Covid-19 nặng, dù cơ địa không có gì đặc biệt, không bị béo phì, không phải phụ nữ mang thai. Những trường hợp này có thể liên quan tới vấn đề khiếm khuyết miễn dịch nào đó, ví dụ khiếm khuyết miễn dịch bẩm sinh, thiếu bổ thể hoặc một số thành phần khác mà chúng ta chưa hiểu hết được. Về việc đánh giá đúng về vấn đề suy giảm miễn dịch bẩm sinh, hiện tại trong điều kiện của chúng ta chưa thể thực hiện được.

  1. Kính thưa bác sĩ, có thông tin về việc bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19. Thông tin này có đúng không ạ? Có nên tiêm hay không và có gây nguy hiểm gì không ạ? Vậy thì đối tượng nào nên tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19, thưa bác sĩ?

Những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo là những đối tượng có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 80-90% khi nhiễm Covid-19. Vì vậy chúng ta cần có sự tăng cường bảo vệ đặc biệt bên cạnh những biện pháp phòng thủ thông thường, như là cố gắng cho những đối tượng này không bị nhiễm Covid, tiêm vắc xin mũi tăng cường. Theo những thông tin hiện nay thì việc tiêm mũi tăng cường cho những đối tượng có nguy cơ cao này cũng không gây ảnh hưởng gì đáng ngại.

Việt Nam hiện chưa công bố chính thức vấn đề này. Còn theo CDC Mỹ, đối tượng ưu tiên đầu tiên là người già trên 65 tuổi nên tiêm mũi thứ 3 sau 6 tháng. Sau đó là các đối tượng mắc bệnh nền, từ 50-65 tuổi và có mắc bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thận mạn, phổi mãn tính,…), những người suy giảm miễn dịch (HIV,…). Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam một số địa phương tỷ lệ tiêm mũi 1 vẫn còn rất thấp, nên vấn đề tiêm mũi tăng cường vẫn đang được cân nhắc thêm.

  1. Theo báo chí có đưa tin về tình trạng xơ phổi hậu Covid-19, thì có phải là người mắc các bệnh về phổi thì đều bị xơ phổi hậu Covid-19 không? Bệnh này có nguy hiểm không? Cần chăm sóc điều trị như thế nào thưa bác sĩ?

Người mắc các bệnh lý về phổi như viêm phổi do Covid, viêm phổi do vi trùng, bệnh mãn tính, viêm phổi do lao,… nói chung tất cả các bệnh lý do tổn thương viêm thì sau đó đều để lại tình trạng sẹo dạng xơ hóa. Tùy theo mức độ tổn thương nhiều hay ít, vùng bị xơ hóa sẽ tỷ lệ thuận theo đó. Vùng phổi đã bị xơ sẽ không còn hoạt động được nữa và gây giảm chức năng hô hấp ở người bệnh. Tuy nhiên, sau đó họ cũng có thể dần thích nghi với những hoạt động phù hợp với thể trạng của mình.

  1. Người sau bị Covid, có trường hợp bị hậu Covid. Vậy bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) sau khi khỏi bệnh có cần khám sức khỏe tổng quát không? Mong bác sĩ tư vấn cụ thể cần theo dõi sức khỏe như thế nào để biết có bị hậu Covid hay không?

Hậu Covid là từ chung chung dành cho các trường hợp sau khi bị Covid-19 bị di chứng về thần kinh, phổi, mạch máu dễ bị thuyên tắc. Những người bị Covid mà bị hậu Covid thông thường là những người bị bệnh nặng, phải thở máy. Đối tượng Covid nhẹ, ít triệu chứng thì hầu như không bị hậu Covid, nên không cần phải đi khám tổng quát. Chỉ nên khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần.

  1. Thưa bác sĩ, vậy các đối tượng có nguy cơ cao khi bị nhiễm bệnh nên đến bệnh viện điều trị ngay khi có triệu chứng nhẹ phải không? Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, người cao tuổi có bệnh lý nền có nên đi khám định kỳ ở các bệnh viện không hay mang đơn thuốc đi mua?

Người có bệnh nền, người có thai khi bị nhiễm Covid nên đến bệnh viện theo dõi và điều trị. Trong giai đoạn này, người bệnh nền nên đi tái khám tại bệnh viện. Không nên tự mua thuốc uống theo đơn thuốc cũ. Thông thường người bị bệnh nền phải đi tái khám và 3 tháng phải xét nghiệm, khám tổng quát, đánh giá các chức năng của các bộ phận trong cơ thể.

 Hình 2: Khách tham dự chụp hình lưu niệm cùng bác sĩ Hảo

Hình 2: Khách tham dự chụp hình lưu niệm cùng bác sĩ Hảo

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 1: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-voi-ts-bs-nguyen-van-hao-ve-covid-19  

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 2: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-dinh-ky-cua-tsbs-nguyen-van-hao-ve-xet-nghiem-covid-19-va-nhung-van-de-thuong-gap  

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 3: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-3-voi-bac-si-nguyen-van-hao-ung-xu-can-thiet-khi-phat-hien-f0-trong-doanh-nghiep-va-gia-dinh  

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 4: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-4-dieu-tri-covid-19-tai-nha-nhung-dieu-can-biet-doi-voi-nguoi-than-va-vat-nuoi  

Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 5: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/bac-si-nguyen-van-hao-tu-van-chu-de-so-5-la-chan-nao-cho-tre-em-trong-dai-dich-covid-19 

 Nguồn: QTSC

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

QTSC tham gia giới thiệu gian hàng trực tuyến tại Triển lãm Thế giới số 2021

QTSC tham gia giới thiệu gian hàng trực tuyến tại Triển lãm Thế giới số 2021

Ngày 12/10/2021, Bộ TT&TT Việt Nam và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chính thức khai mạc Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021). Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 sẽ bao gồm các hoạt động triển lãm trực tuyến và diễn đàn trực tuyến. 

Cụ thể tại triển lãm trực tuyến, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ trình diễn những gian hàng trực tuyến 2D và 3D, trưng bày sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số của doanh nghiệp, các gian hàng quốc gia. Các gian hàng được duy trì trong 1 tháng từ ngày 12/10 đến 12/11/2021. Công viên phần mềm Quang Trung cũng đã tham gia 1 gian hàng trực tuyến 2D tại sự kiện này.

Phát biểu tại ITU Digital World 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, 50 năm qua, cộng đồng viễn thông và CNTT thế giới đều hướng về một sự kiện thường niên, do Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU tổ chức, đó là Hội nghị và Triển lãm Viễn thông thế giới. Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp ICT toàn cầu tập trung tại đây để thảo luận chính sách, chiến lược, các sáng kiến, giải pháp phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ, thúc đẩy hợp tác, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa 193 các nước thành viên của ITU.

Sự kiện được tổ chức lần đầu tiên là năm 1971 tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Và lần thứ 50 của sự kiện này được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam). Đăng ký tham quan tại  https://digitalworld2021.vn

Hình 1: Gian hàng trực tuyến của QTSC tại Triển lãm Thế giới số 2021

Hình 1: Gian hàng trực tuyến của QTSC tại Triển lãm Thế giới số 2021

Tại gian hàng trực tuyến này, khách tham quan sẽ được xem giới thiệu tổng quan về Công viên phần mềm Quang Trung bằng video và tài liệu về những sản phẩm, giải pháp mà QTSC đang cung cấp cho khách hàng, đối tác, nhà đầu tư. Đặc biệt, khi tham quan gian hàng trực tuyến của QTSC, quí vị còn có thể tương tác trực tiếp với nhân viên tư vấn của QTSC qua phần Contact.

Bên cạnh đó, tại Công viên phần mềm Quang Trung cũng có thêm 03 công ty tham gia triển lãm này là công ty DIGI-TEXX VIETNAM, công ty TMA Solutions và công ty MISA.

Hình 2: Gian hàng trực tuyến của công ty DIGI-TEXX VIETNAM

Hình 2: Gian hàng trực tuyến của công ty DIGI-TEXX VIETNAM

Hình 3: Gian hàng trực tuyến của công ty TMA Solutions

Hình 3: Gian hàng trực tuyến của công ty TMA Solutions

Hình 4: Gian hàng trực tuyến của công ty MISA

Hình 4: Gian hàng trực tuyến của công ty MISA

Nguồn: QTSC

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Hội thảo trực tuyến: “Thách thức và cơ hội của việc dạy học và đánh giá trên môi trường internet

Hội thảo trực tuyến: “Thách thức và cơ hội của việc dạy học và đánh giá trên môi trường internet

Sáng 02/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) và INTEL tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Thách thức và cơ hội của việc dạy học và đánh giá trên môi trường internet. Ứng dụng mô hình dạy học Blended teaching & learning.”  

Năm học 2021 – 2022, hơn 1,7 triệu học sinh tại TP.HCM đã bắt đầu học trực tuyến được vài tuần. Đây là phương pháp học tốt nhất hiện nay nhằm đảm bảo quá trình học tập của các em học sinh không bị gián đoạn và bảo đảm được sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, việc học trực tuyến cũng mang lại khá nhiều khó khăn cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh như: Mức độ tập trung dành cho bài học và chất lượng kiến thức tiếp thu của con có được đảm bảo. Đồng thời, đối với giáo viên thì việc giảng dạy, quản lý và kiểm tra đánh giá học sinh khi học trực tuyến cũng gặp vô số những bất lợi. Việc công nhận và đánh giá chất lượng một tiết dạy trên internet còn đang thảo luận. Trong đó bao gồm theo dõi lên lớp, điểm danh, phương pháp giảng dạy, theo dõi người học, kiểm tra, đánh giá… tất cả đều trên môi trường internet.

Hội thảo tập trung xoay quanh các vấn đề chính: (1) Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, cải thiện chất lượng kiểm tra và đánh giá trực tuyến trong giảng dạy hiện nay, và cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý; (2) Phân biệt rõ dạy trực tuyến, học trực tuyến, lớp học ảo trực tuyến (kết hợp online và offline - blended teaching & learning); (3) Xây dựng lớp học ảo, cách thức phát triển, khai thác hệ thống học liệu điện tử; (4) Tổ chức đánh giá quá trình trong môi trường dạy học trên internet; (5) Giới thiệu, hướng dẫn áp dụng phần mềm, ứng dụng vào giảng dạy trên internet; (6) Các vấn đề về tâm lý và các biện pháp xử lí bức xúc, phát hiện kịp thời và thỏa mãn những nhu cầu thiết của học sinh khi học trên internet.

*Một số ý kiến nổi bật của các chuyên gia

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải - Chuyên gia về giáo dục STEM, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ)

Có thể có sự khác nhau trong dạy học truyền thống và trên internet. Nhưng chắc chắn là cách truyền tải kiến thức, sử dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học, kiểm tra đánh giá thì không khác nhau. Đối với dạy online đúng bài bản thì có phương pháp đánh giá cũng rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nhưng điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào trang thiết bị, công nghệ và phương pháp sư phạm của giáo viên. Giáo viên trước hết cần hiểu về cách học trên môi trường internet khác với cách học trực tiếp. Người học trên môi trường internet có thể bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố môi trường bên ngoài mà giáo viên không thể nào kiểm soát hết được. Do vậy, cần chuẩn bị rất nhiều tình huống, công cụ hỗ trợ, và đặc biệt là giữ mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, không nên làm phức tạp hóa quá trình dạy học, cố gắng đơn giản hóa, dễ hiểu và dễ áp dụng nhất có thể. Thời gian đầu không nên cầu toàn, mà nên hướng đến duy trì sự kết nối, tạo động lực cho cả giáo viên và học sinh.

Kinh nghiệm tại Hoa Kỳ cho thấy các giáo viên phải được hướng dẫn một số công cụ dạy học, giáo viên được tạo điều kiện tối đa để chủ động và sáng tạo trong bài giảng. Họ không đặt nặng vấn đề thành tích hay điểm số. Họ hiểu giai đoạn này là khó khăn chung cho tất cả mọi người, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp vấn đề tâm lý. Giáo viên là người truyền cảm hứng để học sinh tự học, tự nghiên cứu.

Ông Hà Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Mạng Trực Tuyến Việt Sin (VsionGlobal), Chuyên gia nghiên cứu công nghệ giáo dục

Giáo viên đang rất cần các tài nguyên học liệu điện tử như phần mềm thiết kế bài giảng trực tuyến, đa phương tiện, thí nghiệm ảo… để phục vụ công việc thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động dạy và kiểm tra đánh giá trên internet. Các đơn vị có thể có những chính sách và kế hoạch đầu tư dài hơi cho lĩnh vực xây dựng tài nguyên học tập trực tuyến có chất lượng, phong phú, không chỉ cho thời gian trước mắt và về lâu dài, vì tài nguyên vẫn luôn còn đó trên không gian mạng, có các chuyên gia uy tín kiểm định và đánh giá.

Bên cạnh đó, thay đổi phương pháp giảng dạy: các giáo viên đứng giảng trong điều kiện phấn trắng bảng đen tại lớp học online, đưa truyền thống vào trong lớp học online, khiến cho học sinh cảm thấy thân quen. Các giáo viên sử dụng thêm nhiều công cụ, ứng dụng học trực tuyến thì tiết học sẽ sinh động, thu hút học sinh.

 Hình 1: Ông Hà Duy Bình đã Demo lớp học trực tuyến cho các học sinh và giáo viên tham khảo

Hình 1: Ông Hà Duy Bình đã Demo lớp học trực tuyến cho các học sinh và giáo viên tham khảo

Bà Đỗ Hồng Dinh - Giám đốc Kinh doanh IoT Tập đoàn Công nghệ Intel

Covid-19 đã biến nhu cầu về giáo dục thông minh rất mạnh và đang tăng tốc trên toàn thế giới. Intel đã và đang đưa ra những công nghệ ứng dụng trong giáo dục thông minh và bây giờ là thời điểm thích hợp để đưa vào những công nghệ đó. Giáo dục thông minh lấy con người và dữ liệu làm trung tâm, tận dụng những công nghệ thông minh và tạo ra phương pháp học tập mới. Cơ sở hạ tầng phù hợp, các thiết bị và ứng dụng tiên tiến sẽ giúp giáo dục dễ tiếp cận, hiệu quả và cá nhân hóa hơn.

 Hình 2: Các điểm nhấn trong lớp học thông minh do Intel đề xuất

Hình 2: Các điểm nhấn trong lớp học thông minh do Intel đề xuất

Ông Nguyễn Hà Nguyên, Đại diện Trung tâm Thông Tin và Chương Trình giáo dục, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM

Chúng ta phải xác định là phần mềm không đánh giá trình độ học sinh cũng như không tạo ra nội dung kiến thức cho học sinh. Việc đánh giá và nội dung kiến thức được thực hiện theo nhưng khung chương trình chung, phần mềm chỉ là một môi trường phi truyền thống để thực hiện việc dạy và học theo khung chương trình đó. Đương nhiên nếu giáo viên áp dụng công nghệ không đúng cách hoặc người học không chuẩn bị điều kiện kỹ thuật tối ưu sẽ có ảnh hưởng đến kết quả đầu ra, ví dụ như rớt mạng trong lúc kiểm tra, đang làm bài tập, chưa kịp lưu thì rớt mạng hoặc không thể tham gia các lớp học trực tuyến của giáo viên dẫn đến thiết hụt kiến thức. Tuy nhiên, một phương pháp tích cực để dạy và học trên môi trường internet vẫn là điều kiện tiên quyết cho kết quả đánh giá chính xác.

Còn yếu tố quản lý thì lại là vấn đề dễ dàng vì có thể giải quyết bằng công nghệ dữ liệu. Chúng tôi xây dựng nền tảng kết nối HCM EDU SSO để định danh thống nhất người học trên toàn bộ hơn 10 hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến hiện nay để thống kê được tình hình dạy và học tại các trường thông qua dữ liệu đăng nhập, các hệ thống trả kết quả đầu ra về thì dữ liệu này có thể mapping với hồ sơ học sinh đang lưu trữ tại CSDL dùng chung của Ngành.

Thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM

Giáo viên phải tạo không khí học tập thoải mái sẽ hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Giúp các học sinh yêu thích học tập, thông tin truyền tải vừa đủ kích thích học sinh yêu lớp học.

Các giáo viên cũng nên xem xét lại cách đánh giá kết quả học tập của học sinh, không nên phụ thuộc hoàn toàn đến bài kiểm tra cuối kỳ. Giáo viên phải quan sát quá trình học của học sinh trong mọi thời điểm dù là học trực tuyến hay học trực tiếp để đánh giá quá trình học tập tiến bộ của học sinh. Điều này giúp học sinh đặc biệt là học sinh tiểu học không áp lực thi cử, từ đó sẽ không có gian lận như nhiều người lo lắng.

Tiến sỹ Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng trường đại học Sài Gòn

Để đảm bảo năng lực giáo viên dạy trên môi trường internet cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng tài liệu giảng dạy kỹ, xây dựng các tài liệu đánh giá giáo viên khi lên lớp, kiểm tra chất lượng lên lớp. Phải đề ra mục tiêu cụ thể, có kế hoạch chi tiết và tổ chức chu đáo. Bên cạnh đó Ban giám hiệu, Hiệu trưởng các trường phải chỉ đạo, quan tâm sát sao, phải tham gia trải nghiệm để biết giáo viên gặp khó khăn gì để giúp họ vượt qua. Các trường cũng cần có đội ngũ kiểm tra, đánh giá giáo viên, kịp thời hỗ trợ giáo viên, động viên, hướng dẫn để giáo viên thấy yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

 Hình 3: Hội thảo trực tuyến diễn ra vào sáng 2/10/2021

Hình 3: Hội thảo trực tuyến diễn ra vào sáng 2/10/2021

Hội thảo đã thu hút hơn 800 người tham dự là những phụ huynh học sinh và các thầy cô đến từ các trường học tham gia. Khách tham dự đã đặt rất nhiều câu hỏi hay, ý nghĩa và đều nhận được câu trả lời rõ ràng từ các chuyên gia đến từ Việt Nam, Malaysia, Hoa Kỳ. Hội thảo đã mang đến những góc nhìn, kinh nghiệm phong phú để giải đáp những thắc mắc trong việc dạy và học trực tuyến tại Việt Nam và TPHCM hiện nay.

Theo dõi thông tin các hội thảo tiếp theo tại website DXCenter: https://bit.ly/3tt4kLK 

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Qualcomm công bố kết quả vòng chung kết Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam mùa đầu tiên

Qualcomm công bố kết quả vòng chung kết Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam mùa đầu tiên

Sáng nay 29/09/2021, Qualcomm Technologies Inc., công ty con trực thuộc Tập đoàn Qualcomm, đã công bố top ba đội chiến thắng vòng chung kết mùa giải đầu tiên của Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm® Việt Nam (QVIC). Đây cũng là cuộc thi mà Công viên phần mềm Quang Trung là đối tác hỗ trợ truyền thông ngay từ những ngày đầu khởi động cuộc thi vào năm 2019.

Thử thách QVIC 2021 đã mang tới cho 9 công ty khởi nghiệp đầy triển vọng các chương trình huấn luyện kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và khuyến khích việc nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế. Các công ty được chọn tham gia vòng chung kết đã được hỗ trợ phát triển kỹ thuật công nghệ và nâng cao năng lực kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận thị trường cũng như thêm cơ hội kết nối. Đồng thời, các đội cũng được tham khảo ý kiến cố vấn từ các chuyên gia, khuyến khích nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế, hỗ trợ chi phí cùng nhiều lợi ích khácĐặc biệt sau chương trình QVIC các đội tham dự QVIC sẽ trở thành những thành viên trực thuộc mạng lưới toàn cầu của Qualcomm và được khuyến khích tham dự các triển lãm kinh doanh, các buổi gặp gỡ khách hàng, v.v...

Hình 1: Lễ trao giải trực tuyến được tổ chức vào lúc 9g sáng ngày 29/09/2021

Hình 1: Lễ trao giải trực tuyến được tổ chức vào lúc 9g sáng ngày 29/09/2021

Chương trình QVIC được tổ chức vào năm 2019, với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm mục đích ươm tạo các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ mới đầy hứa hẹn. Chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ đang lớn mạnh của Việt Nam thông qua việc lựa chọn và hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, đồng thời khuyến khích các công ty này tạo ra những sản phẩm mới trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như 5G, IoT (Internet Vạn vật), trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo, truyền thông đa phương tiện sử dụng nền tảng di động và công nghệ của Qualcomm Technologies.

“Xin chúc mừng các đội đã chiến thắng trong vòng chung kết của Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam mùa đầu tiên”, Alex Rogers, Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm mảng Bản quyền công nghệ (Qualcomm Technology Licensing) và Hợp tác đối ngoại, cho biết. “Chương trình này được tạo ra để khuyến khích các công ty khởi nghiệp đưa ra những ý tưởng đổi mới và cho thấy thế mạnh cũng như sự sáng tạo của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Ba công ty khởi nghiệp chiến thắng chung kết năm nay đã gây ấn tượng với Ban giám khảo và chúng tôi tin rằng họ có tiềm năng rất lớn trong việc giúp thế giới kết nối thông qua sự cải tiến và hợp tác. Đây là những điều cần thiết trong việc xây dựng và duy trì một tương lai thịnh vượng với nền kinh tế định hướng đổi mới.”

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện toán đám mây và các ứng dụng ngày càng đa dạng của công nghệ IoT”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết. “Chương trình như Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam mang tới cho các công ty khởi nghiệp sự hỗ trợ cần thiết để họ trở thành những thành viên của hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu. Chúng tôi rất hoan nghênh ba đội đã chiến thắng và khuyến khích các cộng đồng khởi nghiệp của đất nước tiếp tục thể hiện khả năng đổi mới thần tốc cho Việt Nam.”

Kết thúc chương trình QVIC đã chọn ra 3 đội chiến thắng để được nhận tổng giải thưởng tiền mặt có giá trị 225,000 đô la lần lượt là:

- Giải nhất đội Rostek: Phương tiện tự hành dẫn đường tự động (AGV) và hệ thống quản lý phương tiện của Rostek cung cấp giải pháp số hóa, công nghệ cao giúp vận chuyển hàng hóa trong nhà kho và trên sàn nhà máy, tạo tiền đề giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu Công nghiệp 4.0

 Giải nhất đội Rostek

- Giải nhì đội AIOZ: Robot giao hàng trong nhà BeetleBot của AOIZ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và giao diện giọng nói để vận chuyển đồ vật như thực phẩm hoặc các kiện hàng ở môi trường trong nhà. BeetleBot đặc biệt thích hợp để sử dụng tại các bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ giao hàng ‘tuân thủ’ giãn cách xã hội.

 Giải nhì đội AIOZ

- Giải ba đội BusMap (Phenikaa Maas): Hệ thống camera hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo với tên gọi bHub của BusMap cho phép người dùng theo dõi các yếu tố an toàn khi điều khiển phương tiện, bổ sung khả năng giám sát và nhận dạng hình ảnh mạnh mẽ trên thiết bị, giúp đảm bảo an toàn cho cả người lái và hành khách.

 Giải ba đội BusMap (Phenikaa Maas)

Cuộc thi QVIC 2022 vào năm sau đã chính thức mở đăng ký. Để biết thêm thông tin hoặc để đăng ký, xin mời xem tại: https://www.qualcomm.com/qvic 

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Hoàn thành mũi tiêm thứ 2 vắc xin ngừa Covid-19 tại Công viên phần mềm Quang Trung

Hoàn thành mũi tiêm thứ 2 vắc xin ngừa Covid-19 tại Công viên phần mềm Quang Trung

Trong suốt 4 ngày vừa qua từ 24-27/09/2021, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã phối hợp với Trung tâm Y tế Quận 12 tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả những nhân viên chưa hoàn thành mũi tiêm thứ 2 đang làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung.

Theo đó, mũi tiêm thứ nhất được QTSC tổ chức tiêm trong đợt từ 21-25/06/2021 cho gần 11.000 người lao động tại đây. Đợt 2 có tổng cộng 3.629 người lao động đến từ 168 doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ chưa tiêm đủ 2 mũi tại địa phương. Sau khi tiêm vắc xin, các doanh nghiệp tại QTSC vẫn cam kết thực hiện thông điệp 5K để chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhân dịp này, QTSC xin trân trọng cảm ơn các y bác sỹ và các tình nguyện viên đã triển khai công tác tiêm vắc xin cho nhân viên tại Công viên phần mềm Quang Trung. Kính chúc đội ngũ y bác sỹ và các tình nguyện viên nhiều sức khỏe, hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân cũng như chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Hoàn thành mũi tiêm thứ 2 vắc xin ngừa Covid-19 cho 3.629 người lao động tại Công viên phần mềm Quang Trung 

 Khu vực tiêm tại tầng hầm tòa nhà QTSC Building 9

Khu vực tiêm tại tầng hầm tòa nhà QTSC Building 9

Sau khi được khám sàng lọc, người lao động sẽ được nhân viên y tế tiêm mũi 2 

Sau khi được khám sàng lọc, người lao động sẽ được nhân viên y tế tiêm mũi 2

 Quang cảnh chờ tiêm vắc xin tại tòa nhà QTSC Building 1

Quang cảnh chờ tiêm vắc xin tại tòa nhà QTSC Building 1

Nguồn: QTSC