Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Mời tham dự hội thảo ADOC ICT Road Show 2011

Kính gởi : Doanh nghiệp CNTT -TT

Hội Tin Học Thành Phố Hồ Chí Minh (HCA) xin thông báo đến doanh nghiệp hội viên vào ngày 14/06/2011, Đoàn doanh nghiệp CNTT Đài Bắc gồm 15 doanh nghiệp do Hội Tin Học Đài Bắc (TACA) dẫn đầu sẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo ADOC ICT Road Show 2011 và kết nối doanh nghiệp CNTT hai nước thông qua chương trình businessmatching. Mục đích của hội thảo ADOC ICT Road Show 2011 là gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm đối tác tiềm năng cũng như cơ hội hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam.

Nhận thấy, đây là sự kiện quan trọng và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp hội viên. Qua đó, sự kiện này cũng là cầu nối cho các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ và giao lưu. Hội Tin Học Tp.Hồ Chí Minh (HCA) gởi đến doanh nghiệp thông tin chi tiết của hội thảo và businessmatching.

Hội Thảo ADOC ICT Road Show 2011
Thời gian: 8:30 – 5:00,Thứ ba, 14/06/2011
Địa điểm: Khách sạn Legend Saigon,2A-4A Tôn Đức Thắng, Q.1, Tp.HCM

Ban Tổ Chức gởi đính kèm danh sách 10 doanh nghiệp Đài Bắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật danh sách cùa 05 công ty còn lại. Doanh nghiệp quan tâm vui lòng gởi phiếu đăng ký (ghi rõ doanh nghiệp nào quý vị muốn gặp mặt và làm việc) đến địa chỉ email khanhlp@hca.org.vn Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. hoặc fax: 08. 38 250 053. Hạn chót đăng ký hết ngày 01/06/2011.

Đính kèm:
2.Danh sách Đoàn doanh nghiệp IT Đài Bắc. 

Kính mong Doanh nghiệp cử đại diện tham dự sự kiện này.

Ông Bùi Mạnh Hải - Ứng cử viên đại biểu Quốc hội thăm CVPM Quang Trung

Ngày 11/5/2011, ông Bùi Mạnh Hải - Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách Công nghệ thông tin, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 13 khu vực quận Gò Vấp và quận 12 đã đến thăm và có buổi tiếp xúc với một số doanh nghiệp tại Công viên Phần mềm Quang Trung.

Trong buổi gặp gỡ ông Bùi Mạnh Hải cho biết công nghiệp phần mềm là một thế mạnh của Việt Nam. Với dân số trẻ, 65%  dân số trong độ tuổi dưới 30, hơn nữa người Việt Nam thông minh, cần cù, ham học hỏi. Vì vậy phát triển CNTT, công nghệ cao là “một lĩnh vực phù hợp và đúng đắn nhất”. Mười lăm năm trước Việt Nam hầu như chưa có ngành công nghiệp phần mềm, nhưng sau 15 năm Việt Nam đã lọt vào Top10 các nước gia công phần mềm hàng đầu thế giới. Để đạt được những thành tích đó có sự đóng góp rất lớn của những Việt Kiều yêu nước. Họ là những người có nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, làm việc và học tập ở những nước tiên tiến, nay trở về đóng góp cho sự phát triển CNTT của nước nhà.

Ông Nguyễn Văn Sáu – hiệu trưởng trường SaigonTech, ông Bùi Đức Quang – giám đốc phụ trách R&D của TMA và ông Hà Văn Lượm – phó tổng giám đốc công ty Global Cyber Soft Việt Nam  đều có chung một nhận định, CNTT là một lĩnh vực mang tính chất rất rộng và là công cụ để phát triển các ngành kinh tế xã hội khác. Hiện nay CNTT được ứng dụng khắp nơi từ nông nghiệp, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe,…CNTT là một ngành phục vụ cho các ngành kinh tế xã hội phát triển. Tuy nhiên để phát triển ngành CNTT Chính phủ cần có chính sách cụ thể để thu hút Việt kiều về làm việc trong lĩnh vực CNTT, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các dự án quốc gia. Bên cạnh đó cần có chính sách pháp lý thông thoáng, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Là đại diện hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và rất tâm huyết với sự phát triển ngành CNTT của Việt Nam, ông Bùi Mạnh Hải ghi nhận hững góp ý chân thành và tâm huyết của các doanh nghiệp.

Từ trái qua phải: Ông Bùi Mạnh Hải - ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa 13, ông Lâm Nguyễn Hải Long – phó Giám đốc QTSC, ông Bùi Đức Quang – giám đốc phụ trách R&D của TMA đang trao đổi trước mô hình ứng dụng CNTT trong y tế
Ngọc Hoa

GCS – Đối tác SAP đầu tiên tại Việt Nam được cấp Chứng nhận Đối tác Trung tâm về Chuyên môn - PCoE

Ngày 20 tháng 4 năm 2011, Công ty cổ phần Global CyberSoft rất vinh dự và tự hào là đối tác SAP đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận PCoE (Partner Center of Expertise) từ SAP khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản trong việc xây dựng thành công trung tâm hỗ trợ khách hàng theo đúng tiêu chuẩn SAP Enterprise Support cho giải pháp SAP ERP và SAP BusinessObjects.

Chứng nhận PCoE là một trong những chứng nhận có giá trị lớn và đòi hỏi đối tác phải đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ tiên tiến nhất được yêu cầu trong chương trình gói hỗ trợ bảo trì phần mềm của SAP bao gồm: phải có đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp và kinh nghiệm; phải triển khai hệ thống phần mềm dịch vụ hỗ trợ kết nối hệ thống SAP ERP của khách hàng với trung tâm hỗ trợ của Global CyberSoft và với hệ thống hỗ trợ toàn cầu của SAP; phải xây dựng quy trình chuẩn hóa và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của SAP Enterprise Support nhằm đưa ra các dịch vụ hỗ trợ khách hàng có chất lượng cao nhất từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đây thực sự là một thách thức lớn cho tất cả các đối tác cung cấp giải pháp và dịch vụ của SAP. Bằng những nỗ lực và cải tiến không ngừng, Global CyberSoft đã trở thành đối tác đầu tiên được SAP công nhận đạt chuẩn PCoE tại Việt Nam.



Việc hợp tác chặt chẽ trong những năm qua và được chính thức công nhận là Đối tác Vàng của SAP (Gold Partner) đã là một thành công cho Global CyberSoft trong năm 2010. Với chứng nhận PCoE lần này, GCS đã khẳng định được vị trí hàng đầu của mình trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp và dịch vụ SAP ERP & SAP BusinessObjects. Điều này tạo ra cho Global CyberSoft một lợi thế cạnh tranh vươt trội và ghi nhận những thành quả đạt được sau hành trình dài nỗ lực tạo dựng một đối tác SAP cũng như một công ty tích hợp hệ thống hàng đầu đối với các khách hàng ở trong nước và khu vực, đánh dấu một cột mốc quan trọng giúp công ty tiếp tục bước lên một nấc thang phát triển mới trong thời gian tới.
Nguồn GCS

Đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm và làm việc tại QTSC

Ngày 06/05/2011 đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đến thăm quan và làm vệc tại công viên phần mềm Quang Trung. Dẫn đầu đoàn là ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, và giám đốc các sở Khoa học và công nghệ, sở Xây dựng, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở Thông tin và truyền thông, sở Công thương…Đón tiếp đoàn là ông Chu Tiến Dũng  chủ tịch hội đồng thành viên QTSC và các phó giám đốc. 

Mục đích của đoàn là tới thăm quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng công viên phần mềm. Theo đó tỉnh Nghệ An dự tính xây dựng một khu công viên phần mềm với quy mô 10ha tại thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự án xây dựng công viên phần mềm tại thành phố Vinh sẽ là điểm nhấn của thành phố và góp phần tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Với kinh nghiệm 10 năm xây dựng và phát triển, ông Chu Tiến Dũng cũng chia sẻ những bài học, những khó khăn và thuận lợi từ khi bắt đầu xây dựng công viên phần mềm Quang Trung. Theo ông Chu Tiến Dũng, vốn đầu tư cho ngành phần mềm không lớn, mà quan trọng đầu tư cho ngành phần mềm chính là đầu tư cho con người, con người mới là yếu tố quyết định tạo ra giá trị của sản phầm phần mềm.

Để tạo nên sự thành công của công viên phần mềm Quang Trung hiện nay, ông Chu Tiến Dũng trình bày những bài học, kinh nghiệm về xây dựng và phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung. Hai bên đã có cuộc trao đổi khá cởi mở và chân tình. Kết thúc buổi làm việc, Ông Huỳnh Thanh Điền thay mặt đoàn công tác cám ơn những chia sẻ tâm huyết của QTSC dành cho đoàn và chúc cho công viên Phần mềm Quang Trung ngày càng phát triển hơn nữa,  đóng góp cho sự phát triển chung của ngành phần mềm Việt Nam.

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Huỳnh Thanh Điền ( bên trái bức tranh) tặng bức tranh phong cảnh tỉnh Nghệ An cho công viên phần mềm Quang Trung

 Đoàn tới tham quan công ty Global CyberSoft và nghe lãnh đạo công ty Global CyberSoft Việt Nam giới thiệu quy trình kiểm thử sản phẩm phần mềm.
 Ngọc Hoa

CVPM Quang Trung: Hướng đến trung tâm đầu tư phần mềm khu vực

Khẳng định vai trò điểm đến đầu tư lớn nhất tại Việt Nam của các nhà đầu tư phần mềm nước ngoài và thương hiệu phần mềm Việt Nam là hai mục tiêu quan trọng nhất của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) trong giai đoạn mới 2011-2020.

QTSC: “ngôi nhà” của cộng đồng CNTT

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (nguyên trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung), mục tiêu của Chính phủ trong hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa chính là xây dựng các thương hiệu công nghiệp phần mềm Việt Nam và QTSC chính là một trong những điển hình đầu tiên. Việc các thương hiệu CNTT hàng đầu thế giới chọm QTSC làm điểm tập kết như HP, IBM… kết hợp với việc QTSC được các thành viên Liên minh các Công viên phần mềm châu Á và châu Đại dương thống nhất và bỏ phiếu bầu QTSC là chủ tịch luân phiên của Liên minh năm 2011, cho thấy sự uy tín của QTSC trong lĩnh vực phần mềm.

Ủng hộ quan điểm này , bà Trần Thị Minh Thuận, Tổng giám đốc HP Việt Nam cho biết, “Lý do thứ nhất chúng tôi đầu tư vào QTSC là thương hiệu, thứ hai chính là sự hỗ trợ các cam kết của QTSC”. Rõ ràng, uy tín thương hiệu sẽ càng được khẳng định bằng chính các thương hiệu khác Điều này cho thấy uy tín của ngành phần mềm Việt Nam nói chung và QTSC nói riêng đang tăng lên đáng kể trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

           QTSC nhận chứng chỉ bảo mật ISO 27001:2005 trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập 

Ông Nguyễn Đức Hiền, Tổng giám đốc QTSC chia sẻ, sau 10 năm hoạt động, QTSC đã trở thành một “ngôi nhà” của cộng đồng CNTT và chúng tôi đang làm tất cả để QTSC trở thành “ngôi nhà” thân thiết của các tên tuổi CNTT lớn trên thế giới. Quyết tâm này được minh chứng khá cụ thể, tính đến nay QTSC đã thu hút 32 nhà đầu tư, 102 doanh nghiệp CNTT gồm 43 doannh nghiệp nước ngoài, chiếm gần 50%. Ngoài HP, IBM , Các tên tuổi ngoại như Luxsoft, Global Cybersoft, GHP Far-East cũng đã đóng góp doanh thu đáng kể tại QTSC. Ngoài ra, QTSC cũng sẽ là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện, hoạt động CNTT, trao đổi, phổ biến và  chuyển giao công nghệ của cả nước và khu vực.

Đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu thời gian chờ đợi và tăng sự thuận tiện nhất của nhà đầu tư chính là quyết tâm được lãnh đạo QTSC quán triệt đến từng nhân viên. Cụ thể, QTSC đã chính thức nhận được chứng chỉ ISO 9001:2000 về cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư và quan trọng hơn mới đây QTSC tiếp tục nhận chứng chỉ ISO 27001:2005 về bảo mật và an toàn thông tin đối với hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Sự kiện này đánh dấu những bước đi quan trọng về chất lượng trong quản lý và cung cấp dịch vụ của QTSC theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn và chuẩn mực tiên tiến quốc tế để đem lại sự yên tâm tin tưởng và những giá trị gia tăng ngày càng cao cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại CVPMQT. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tiếp thị, xúc tiến đầu tư thương mại đúng trọng tâm, trọng điểm cũng được QTSC đẩy mạnh trong giai đoạn 2011-2015.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HĐTV QTSC cho biết, 2011 là năm “bản lề” cho QTSC triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu mới nhằm mục đích tăng cường thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh QTSC, không chỉ đơn thuần là khu đô thị phần mềm mà còn là khu đô thị xanh của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên thế giới.

Nhận diện và xu hướng đầu tư mới vào QTSC, ông Chu Tiến Dũng chia sẻ, hiện nay đã xuất hiện xu hướng chuẩn bị cho một làn sóng đầu tư mới từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn CNTT lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong những năm tới. Chuẩn bị đón đầu xu thế này, QTSC đang tiếp nhận thêm hơn 5,8 hecta đất mở rộng để chuẩn bị cho việc mở rộng quy mô và đón đầu các nhà đầu tư lớn.  Mục tiêu của QTSC trong giai đoạn 2011-2020 là tạo ra doanh số phần mềm dịch vụ tăng gấp 2 lần năm 2010 (khoảng 150 triệu USD).


Thương hiệu phần mềm Việt Nam

Bên cạnh mục tiêu vươn ra khu vực, QTSC cũng không thể bỏ qua thị trường nội địa, vì ngoài mục tiêu xúc tiến đầu tư, QTSC còn thực hiện một nhiệm vụ chính trị là đầu tư xây dựng cơ sở hỗ trợ cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam xứng tầm khu vực.

Theo đánh giá xếp hạng của A.T.Kearney, Việt Nam có mặt trong top 10 quốc gia hấp dẫn nhất trong số 50 quốc gia gia công phần mềm toàn cầu. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho ngành ngành phần mềm.

TMA Solutions, doanh nghiệp nội địa gia công phần mềm lớn thứ hai Việt Nam và đóng góp 207 tỉ doanh thu tại QTSC trong năm 2010 cho biết, để tạo ra những sản phẩm phần mềm “made in Vietnam”, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có môi trường thuận lợi, đặc biệt là phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. “Điều này có thể tìm thấy ngay tại QTSC!” lãnh đạo TMA chia sẻ.

Rõ ràng QTSC đã trở thành một thương hiệu thân thiện cho cộng đồng phần mềm trong và ngoài nước. Chính từ nỗ lực này, ngay trong chuyến thăm QTSC vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, QTSC là mô hình đầu tư phần mềm thành công  nếu xét về tính hiệu quả, “1 đồng vốn ngân sách bỏ ra đã thu hút 8 đồng vốn đầu tư khác”. Chính phủ đang xem xét kế hoạch nhân rộng mô hình QTSC tại một số tỉnh thành, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, QTSC sẽ là trường học cho các tỉnh thành và trung tâm phần mềm mới nhằm chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, các kỹ năng và nghiệp vụ vận hành một khu CNTT tập trung.

Đưa QTSC vừa là điểm đến của các thương hiệu nước ngoài, nhưng cũng là “ngôi nhà” thân thiện của cộng đồng DN CNTT trong nước góp phần hiện thực hóa chủ trương công nghiệp hóa-hiện đại hóa là xu hướng nhận được sự ủng hộ của các DN phần mềm trong và ngoài nước.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Lại Đức Nhuận, Giám đốc công ty Larion Computing cho rằng, điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch phát triển của Larion nói riêng hoặc DN phần mềm nói chung chính là nhân sự. “Đơn giản vì không kế hoạch nào được tạo ra và được thực hiện thành công nếu không có con người”. Bên cạnh đó, xây dựng lòng tin là rất quan trọng. “Đó là xây dựng lòng tin cho đội ngũ nhân viên đang làm việc trong công ty và xây dựng lòng tin cho khách hàng của mình” ông Nhuận chia sẻ.

Về phía QTSC, ông Nguyễn Đức HIền, Tổng giám đốc QTSC cho biết, QTSC đã và đang đầu tư mạnh vào các mô hình cung ứng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động của doanh nghiệp phần mềm như đầu tư phát triển các mô hình đào tạo, cung cấp nhân lực, chủ động đầu tư Viện Công nghệ tính toán và Học viện đào tạo quôc tế chuyên ngành…

Theo phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung, cái được lớn nhất trong 10 năm qua của CVPMQT là đã có đội ngũ quản lý công viên phần mềm đạt chuẩn quốc tế và được các nhà đầu tư tín nhiệm. Nhờ vậy, trong 10 năm tới, Việt Nam có thể phấn đấu trở thành nước mạnh về CNTT và có thể xuất khẩu nhiều người làm phần mềm chất lượng.