Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Hấp dẫn “hạt giống” QTSC

Trong vai trò là lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cơ quan nhà nước quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cũng là người quan tâm hành trình 15 phát triển của QTSC, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhìn thấy nhiều cơ hội và tiềm năng đầy sức hấp dẫn của mô hình chuỗi QTSC trong tương lai.


Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM
Thưa ông, QTSC là một mô hình tổ chức được UBND TP.HCM thành lập nhằm thu hút đầu tư chuyên ngành về phần mềm trong và ngoài nước. Đến nay QTSC đang phát triển mạnh và trở thành trung tâm phát triển phần mềm lớn và thành công nhất nước. Là lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, có nhiều năm theo dõi sự phát triển và trưởng thành của QTSC, xin ông đánh giá đóng góp của QTSC trong sự phát triển chung của ngành công nghệ thông tin (CNTT)? QTSC có đạt được những mục tiêu và kỳ vọng như các cấp lãnh đạo mong đợi?

Trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển, có thể thấy, QTSC đã đạt những kết quả rất đáng trân trọng, đáp ứng được yêu cầu chung phát triển của ngành CNTT. Điểm đầu tiên phải ghi nhận, QTSC đã xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại và dịch vụ hoàn chỉnh, phục vụ cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất gia công phần mềm, cũng như đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho TP.HCM.

QTSC là điểm đến quan trọng, uy tín thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến hoạt động và kinh doanh trong ngành CNTT. Hiện nay, QTSC có 120 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại đây, trong đó có 10 doanh nghiệp nằm trong TOP 50 doanh nghiệp hàng đấu của Việt Nam và có cả các tên tuổi lớn trong làng công nghệ thế giới, như IBM, Hitachi, KDDI,… Các doanh nghiệp tại QTSC đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế trong ngành CNTT, và đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của TP.HCM theo hướng công nghiệp phần mềm, nội dung số và các dịch vụ.

Môt điểm quan trọng nữa là QTSC đã cùng TP.HCM triển khai chính phủ điện tử với cơ sở dữ liệu nằm tập trung ở data center với tính bảo mật an toàn an ninh thông tin cao. Ngoài ra, QTSC đã hình thành đội ngũ nguồn nhân lực về kỹ sư CNTT chất lượng cao, mà hiện đã có 18.260 người đang làm việc tại QTSC, trong đó, 90% là kỹ sư về phần mềm. Đây cũng chính là mục tiêu phát tiển của TP.HCM đặt ra trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể phát triển thành phố bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Ông đánh giá thế nào về thương hiệu QTSC?

Theo đánh giá của tôi với tư cách người đứng đầu của cơ quan quản lý về CNTT, xét trên nhiều phương diện, QTSC đã trở thành thương hiệu hang đầu, vững chắc trong ngành CNTT của đất nước, từng bước hội nhập vào chuỗi sản xuất và gia công CNTT thế giới. Điều này còn thể hiện rõ qua việc năm 2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công nhận QTSC là công viên phần mềm thành công nhất của Việt Nam.  

Đặc biệt, vừa qua, QTSC tổ chức hội nghị quốc tế về gia công CNTT và đã thu hút các công ty đa quốc gia, các công ty công nghệ cao hàng đầu đến tham dự. Điều đó cho thấy, thương hiệu QTSC đã được công nhận mạnh mẽ. Chúng tôi nghĩ đây là chỉ dẫn địa lý rất quan trọng để QTSC tiếp tục hội nhập và quá trình triển khai sắp đến của chuỗi QTSC sẽ giúp nâng cao thương thiệu QTSC trong thời gian đến.

Trong thời gian sắp tới, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có những định hướng nào để QTSC tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn?

Chúng tôi kỳ vọng QTSC sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu của mình, đặc biệt là thương hiệu về gia công phần mềm, vốn đã được quốc tế công nhận. Đây chính là điều kiện rất quan trọng để thương hiệu QTSC trở thành hạt nhân của chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, mà Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển chuỗi này.

Điểm thứ hai là chúng tôi mong muốn QTSC sẽ tiếp nhận công nghệ mới, đặc biệt là xu thế hội tu công nghệ đang phát triển rất nhanh, như điện toán đám mây, big data, mobile,... để có thể nâng chất lượng dịch vụ, sản phẩm và qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP.HCM và cả nước.

Có thể hình dung chuỗi QTSC trong tương lai sẽ như thế nào, thưa ông?

Mục tiêu quan trọng nhất của chuỗi QTSC chính là sử dụng thương hiệu QTSC và lợi thế của địa phương để hình thành nên các QTSC ở các địa phương. Với cộng đồng như vậy, chúng ta có thể chia sẻ các nguồn lực, chia sẻ thương hiệu và cùng nhau phát triển hội nhập giai đoạn đến.

Các thành viên trong chuỗi QTSC phải đạt chuẩn quốc gia, cũng như cấp độ quốc tế nhưng phần triển khai sẽ căn cứ tùy vào tình hình địa phương, có thể triển khai theo từng giai đoạn để sử dụng nguồn lực cho hợp lý, sau đó, mới phát triển mở rộng, và xây dựng, hình thành thương hiệu của từng thành viên trong chuỗi.

Tuy nhiên, để nhìn về tương lai cho chuỗi QTSC, trước hết, vẫn phải phát triển mạnh QTSC hiện hữu, và đầu tư trước QTSC 2 làm sao cho có chất lượng vượt trội.

Chúng tôi cũng kỳ vọng chính sự phát triển của QTSC tại TP.HCM sẽ lan tỏa ra các địa phương để cùng phát triển. Và điểm đặc biệt nữa, khi hình thành chuỗi QTSC, chúng tôi  định hướng đến xây dựng công viên phần mềm thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Đây là nơi hình thành đội ngũ nhân lực trẻ, cũng như, xây dựng một vườn ươm tạo ra các doanh nghiệp CNTT bắt kịp sự phát triển công nghệ trong giai đoạn đến.

Có thể hình dung từ hoạt động của chuỗi QTSC sẽ tạo ra một trong những điểm nhấn về nâng cao chất lượng tăng trưởng của TP.HCM và chính đội ngũ CNTT này không những góp phần vào sự phát triển CNTT nhưng còn đóng góp cho năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của các mảng khác, như ngân hàng, logistics hay các dịch vụ thương mại.

Ông kỳ vọng gì với Ban lãnh đạo và đội ngũ của QTSC để đạt các mục tiêu như ông vừa nói?

Với những thành tích của QTSC trong quá khứ đã thể hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo QTSC, đáp ứng được các chuẩn mực dịch vụ quốc tế. Chúng tôi mong rằng, trong giai đoạn đến, đội ngũ QTSC tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ để có thể đáp ứng giai đoạn phát triển mới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập AEC cũng như hội nhập toàn diện với quốc tế theo các hiệp định mà Việt Nam tham gia.
Xin cảm ơn ông.