Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Phát triển công nghiệp phần mềm

Hôm nay (14/07), Diễn đàn “Công viên phần mềm (CVPM) - Xu hướng 2020” diễn ra tại CVPM Quang Trung (QTSC). Nhân dịp này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi bên lề với ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG, Phó Giám đốc QTSC, kiêm Chủ tịch Liên minh các CVPM châu Á - châu Đại Dương (SPA), về việc phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

PHÓNG VIÊN:
- Thưa ông, kỳ vọng của Ban tổ chức Diễn đàn này là gì?

Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG:
- Trong diễn đàn lần này, QTSC đặt mục tiêu hàng đầu là quảng bá hình ảnh ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam và TPHCM với bạn bè quốc tế, cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa DN CNTT trong nước với các nước có ngành CNTT phát triển. Bên cạnh đó, QTSC mong muốn được học tập kinh nghiệm, tìm hiểu những giải pháp, xu hướng phát triển CVPM của các nước trong 10 năm tới. Qua đó, rút ra mô hình, bài học trong công tác quản lý CVPM cũng như khả năng thích ứng trước những thay đổi, tác động của nền kinh tế toàn cầu.
Công viên phần mềm Quang Trung đã thu hút 22.800 người
học tập và làm việc
. Ảnh: MINH TUẤN

Diễn đàn này còn là cơ hội hợp tác kinh doanh với 65 DN CNTT tham gia, trong đó có 26 đơn vị nước ngoài và 39 đơn vị Việt Nam. Các DN nước ngoài mong muốn tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực ứng dụng CNTT như: dịch vụ thanh toán bán lẻ, dịch vụ e-commerce và m-commerce, thương mại điện tử, viễn thông, mạng không dây, truyền thông đa phương tiện, điện toán đám mây và máy chủ riêng ảo, an ninh mạng, hệ thống nhúng R&D, tích hợp hệ thống, phát triển và cung cấp các giải pháp CNTT cho ngành công nghiệp sản xuất, các ứng dụng của CNTT địa lý (GIS), các nhà khai thác dịch vụ di động, điện thoại di động, dịch vụ giá trị gia tăng và các ứng dụng phát triển trong lĩnh vực giao thông và hậu cần.

- Định hướng công nghiệp phần mềm thời gian tới ra sao?

- Ngành công nghiệp phần mềm của chúng ta mới đi được những bước ban đầu và đang ở cấp độ gia công phần mềm cho các thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu là chủ yếu. Các công ty Việt Nam thường gia công từng công đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu và chưa có nhiều những sản phẩm, ứng dụng đóng gói hoàn chỉnh. Mặt khác, do quy mô còn nhỏ nên sức cạnh tranh của DN Việt Nam chưa cao. Do đó, để phát triển nhanh ngành công nghiệp phần mềm, chúng ta cần lấy DN là nhân tố chính trong bức tranh phát triển.

Theo quan điểm của tôi, các DN phần mềm Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là nên mở rộng dần phạm vi kinh doanh từ việc chỉ gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài sang thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Thông qua kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm phần mềm mang thương hiệu Việt Nam, từ đó đưa những sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ thị trường trong nước. 

- Sau 10 năm hoạt động, QTSC đã làm gì để xứng tầm một trung tâm CNTT lớn nhất nước?

- QTSC đã đạt 5 sẵn sàng: cơ sở hạ tầng, viễn thông, văn phòng cùng những tiện ích, dịch vụ, đào tạo nhân lực. Chỉ sau 10 năm, đến nay QTSC có hơn 102 DN phần mềm và dịch vụ phần mềm đang hoạt động với những tên tuổi lớn nước ngoài như HP, IBM, SK Telecom, Luxsoft…, cùng các DN phần mềm hàng đầu Việt Nam như TMA, Global Cybersoft… Tại đây đã thu hút hơn 22.800 người học tập và làm việc. QTSC đã tập trung một tiềm lực mạnh về nguồn lực và trí thức của TPHCM để phát triển ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT.

Bên cạnh đó, QTSC đã thu hút các đơn vị đào tạo nhân lực ngành CNTT như Đại học Hoa Sen, FPT, SaigonTech, Trung tâm đào tạo CNTT TPHCM, SK Telecom IT center và Trung tâm Ươm tạo DN phần mềm Quang Trung. Quy mô đào tạo hiện nay tăng gấp 6 lần so với năm 2005. Các đơn vị đã hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 50.000m2 với đầy đủ tiện nghi, nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu - đào tạo và ươm tạo.

- Để thúc đẩy công nghiệp phần mềm phát triển, cần giải quyết vấn đề gì, thưa ông?

- Để tạo thêm sức mạnh cho DN công nghiệp phần mềm, chúng ta cần có những chương trình cụ thể tương tự chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính phủ phải đóng vai trò dẫn dắt và tạo cơ hội cho DN thông qua việc ban hành những chính sách phát triển thị trường.

Thí dụ nhà trường phải cung cấp cho mỗi học sinh, sinh viên một email, hoặc các bệnh viện phải lưu trữ tất cả bệnh án của bệnh nhân, hoặc các nhà thuốc phải có phần mềm quản lý thuốc chẳng hạn… có như vậy sẽ giúp các DN phần mềm Việt Nam có cơ hội phát triển các sản phẩm phần mềm đóng gói, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.

Trong 10 năm tới, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp phần mềm. Vấn đề đặt ra là chúng ta có đủ nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho DN hay không vì nhân lực là yếu tố quyết định trong hoạt động của DN phần mềm.

Với vai trò của mình, QTSC có định hướng sẽ cố gắng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho các DN có nhu cầu. QTSC sẽ là cầu nối giữa nhà trường với DN, để giúp nhà trường đưa chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế. Nếu chúng ta giải quyết được bài toán nguồn nhân lực thì ngành CNTT Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.


- Xin cảm ơn ông.

Hiện QTSC đã thu hút gần 50 nhà đầu tư, đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng để xây dựng CVPM và phát triển sản xuất kinh doanh phần mềm. Đến thời điểm này tổng số vốn đã thực hiện trên 1.806 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 214 tỷ đồng, vốn thu hút đầu tư và huy động các nguồn khác khoảng 1.592 tỷ đồng). Có thể nói Nhà nước bỏ ra 1 đồng vốn để đầu tư vào QTSC và thu hút được 8 đồng đầu tư của tư nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét