Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

[VNITO] Ngành gia công CNTT Việt Nam: Cần biến tiềm năng thành cơ hội thực sự

(eFinance Online) - Chiều ngày 10/7, tại Hà Nội, Hội Tin học TPHCM (HCA), Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) cùng Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức buổi gặp gỡ trao đổi về những bước tiến mới của Việt Nam trong lĩnh vực gia công Công nghệ thông tin (IT Outsourcing - ITO) và giới thiệu Chương trình Hội nghị Phát triển Gia công Công nghệ thông tin Việt Nam – VNITO sẽ được tổ chức vào ngày 14-16/10/2015 ở khách sạn The Reverie Sài Gòn (Times Square)-TPHCM.
Vẫn chỉ là “tiềm năng”?!
Báo cáo năm 2015 do Tholons - tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên tư vấn đánh giá xếp hạng về outsourcing - TPHCM (hạng 18) và Hà Nội (hạng 20), đều lọt vào Top 100 địa điểm hấp dẫn hàng đầu về gia công CNTT (ITO). Trong báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield (C&W) năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên đạt vị trí số một trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (không bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ), các nền kinh tế đang phát triển như Indonesia và Việt Nam hiện nay thuộc top 10 các quốc gia có số lượng kỹ sư tốt nghiệp nhiều nhất hàng năm. Đó là những thông tin thuận lợi được quốc tế nhìn nhận về Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến mới nổi hấp dẫn về Gia công Công nghệ thông tin (ITO) thế giới.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, nếu như cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã được nhắc đến như một đất nước “tiềm năng” cho ngành ITO, thì cho đến nay, “tiềm năng” đó vẫn chưa được khai phá, chưa trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn như chúng ta kỳ vọng. Điều này được chính ông Mai Hoài An, Giám đốc IMT Solutions chỉ ra: Mười mấy năm trước, khi Việt Nam trở thành điểm sáng với nhiều “tiềm năng” cho ngành ITO, lúc đó Philippines đã phải đi theo và học hỏi kinh nghiệm của chúng ta. Song đến thời điểm hiện tại, trong khi chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng bứt phá thì Philippines đã vượt quá xa. Nhìn sang đất nước Philippines tôi thiết nghĩ, chúng ta chưa biến tiềm năng trở thành hiện thực được là bởi công tác quảng bá về ngành gia công CNTT của chúng ta chưa tới được các bạn hành quốc tế. Hiện nay mới có Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) thực hiện việc quảng bá, song chủ yếu mới nhắm tới thị trường Nhật Bản, chứ chưa “đủ sức” vươn xa tới các thị trường nói tiếng Anh như Mỹ, châu Âu…
Nhằm phát huy những điều kiện thuận lợi, góp phần quảng bá thương hiệu Việt Nam ra quốc tế, thu hút các đối tác lớn về gia công phần mềm đến với Việt Nam và thúc đẩy thị trường trong nước, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), Hội Tin học TPHCM (HCA) phối hợp cùng các doanh nghiệp ITO tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Phát triển Gia công CNTT Việt Nam-Vietnam IT Outsourcing Conference (VNITO 2015) trong các ngày 14-16/10/2015. Đây sẽ là hoạt động kết nối giao thương quốc tế lớn nhất từ trước tới nay của ngành Gia công CNTT Việt Nam, dự kiến sẽ thu hút đại diện của trên 150 công ty đa quốc gia và 200 doanh nghiệp Gia công CNTT (ITO, BPO) tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Để thu hút các doanh nghiệp đối tác công nghệ cao, CNTT, phần mềm và doanh nghiệp có nhu cầu gia công CNTT trong và ngoài nước tham gia, chương trình truyền thông chuyên nghiệp về VNITO được triển khai từ tháng 6 đến tháng 8 trên cả nước và tại các quốc gia Mỹ, Nhật… Đến nay, các buổi giới thiệu VNITO trực tiếp đến doanh nghiệp, báo giới song song với tham quan, tìm hiểu thực tế hoạt động của các công ty ITO tại Việt Nam đã diễn ra tại TPHCM ngày 4/6/2015, Đà Nẵng ngày 25/6/2015, Hà Nội ngày 10/7/2015. Để tiếp tục phủ rộng thông tin về VNITO cũng như sự phát triển ITO ở Việt Nam, chương trình truyền thông VNITO sẽ tiếp tục đến thung lũng Silicon – Mỹ vào ngày 29/7/2015 và Nhật bản vào tháng 8. Đây là lần đầu tiên, kế hoạch truyền thông một sự kiện về ITO Việt Nam được tổ chức thành chuỗi hoạt động trên diện rộng, với sự hưởng ứng của các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, khu CNTT tập trung, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cơ hội nào cho DN nhỏ?
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM, Phó Trưởng ban tổ chức VNITO cho biết: “Điểm đặc biệt của VNITO là lần đầu tiên, các công ty CNTT trong lĩnh vực gia công CNTT (IT Outsourcing), gia công quy trình kinh doanh (Business Process Outsourcing - BPO) cùng với Hội, Khu CNTT tập trung cùng đồng hành tổ chức một hoạt động lớn nhất từ trước đến nay để quảng bá và xây dựng thương hiệu chung cho ngành gia công công nghệ thông tin (IT Oursourcing) Việt Nam”.
“Việt Nam hiện được nhiều công ty quốc tế xem như India + 1 trong chiến lược chọn đối tác gia công CNTT. Các điểm mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực ITO hiện nay: đã được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao (như Intel, Samsung, LG, Renesas, Foxcon, Fujitsu, Canon, Panasonic…) chọn đầu tư lâu dài; nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào (trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm) và tỉ lệ nhân viên IT nhảy việc thấp hơn so với Ấn Độ (15% so với 30%); Chính phủ khuyến khích đầu tư vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm với các chính sách ưu đãi thuế, chiến lược phát triển nguồn nhân lực… Tôi tin rằng thông qua VNITO, bạn bè, đối tác quốc tế có cơ sở để nhìn nhận Việt Nam là điểm đến mới nổi hấp dẫn về gia công công nghệ thông tin (ITO) của Thế giới”, ông Tuấn nhận định.
Không ít câu hỏi đến từ các DN ITO nhỏ rằng: Chúng tôi sẽ được gì khi tham gia VNITO 2015? Và nếu chỉ với mục tiêu đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn về gia công CNTT thì sau đó, liệu chính các “cá mập” trong ngành ITO có “đớp” hết các hợp đồng không?
Hiện các doanh nghiệp ITO đang có những mối quan tâm trong việc phát triển nguồn nhân lực ITO đáp ứng nhu cầu quốc tế và các chương trình xúc tiến mở rộng thị trường ITO, đặc biệt đối với thị trường các nước nói tiếng Anh và Nhật bản. Điều đáng nói là các DN ITO Việt Nam ngoài các “đại gia” với quy mô trên 1.000 nhân viên là FPT, Harvey Nash… thì đa phần vẫn là các DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ với quy mô 30-50 nhân viên. Điều này dẫn tới việc các DN này chỉ dám nhận những công việc có giá trị nhỏ và thời gian làm ngắn bởi không đủ nhân lực, và tất nhiên, “miếng bánh” lớn nghiễm nhiên sẽ tới tay các DN lớn. Tuy nhiên, ngay cả các DN ITO lớn cũng không phải lúc nào cũng đủ nhân lực để “bao sân” hết tất cả các hợp đồng, điều tất yếu xảy ra là tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”.
“Một số Tập đoàn cho biết họ sẽ giao những việc khó cho Ấn Độ, thay vì cho Trung Quốc và Việt Nam. Như vậy, trên con đường để xây dựng thương hiệu “Việt Nam - Đất nước số một về gia công CNTT”, điều đầu tiên các DN cần phải làm là gặp gỡ nhau, cùng “chơi” trên một sân chơi chung, tin tưởng nhau… có như vậy mới giúp các DN ITO nhỏ khác cùng mình đi lên. Cơ hội dành cho các DN ITO nhỏ sẽ tương đối lớn. Trong đó, cơ hội trực tiếp sẽ đến từ khách hàng tham gia, và gián tiếp sẽ đến từ các công ty trong nước. Thông qua đây, các DN ITO Việt Nam sẽ biết nhau, tin tưởng và chia sẻ kinh nghiệm cũng như công việc cho nhau, cùng giúp nhau hoàn thành hợp đồng, từ đó, nâng cao uy tín Việt Nam trong mắt các bạn hàng quốc tế. Ngay bản thân Harvey Nash cũng có rất nhiều công việc có thể chia sẻ cho các DN ITO trong nước khác.” - Ông Nguyễn Hùng Cường – Giám đốc Havey Nash Vietnam khẳng định.
Như vậy, Hội nghị Phát triển Gia công CNTT lớn nhất Việt Nam - Vietnam IT Outsourcing Conference 2015 sẽ hiện thực hóa nhu cầu quảng bá Việt Nam như là một thị trường hấp dẫn về Gia công phát triển CNTT. Đồng thời với sự tham gia tổ chức của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp gia công phần mềm hàng đầu Việt Nam và đặc biệt là sự đóng góp trí tuệ cùng những mối quan hệ quốc tế của Ban cố vấn Hội nghị VNITO, nơi đây sẽ là môi trường giao lưu doanh nghiệp hiệu quả, gắn kết Việt Nam vào chuỗi thị trường gia công CNTT toàn cầu.
Tại buổi gặp, BTC VNITO cũng công bố các công ty ITO làm đầu mối liên lạc của BTC VNITO ở phía Bắc là Hanelsoft và Reikkeysoft. Trước đó, các công ty ITO trên cả nước đã tham gia Ban tổ chức VNITO đến hiện nay có: Global Cybersoft, TMA Solutions, DIGI-TEXX, KMS, LogiGear, LUXOFT, LARION, ISB Viet Nam, IMT Solutions, FPT Software, Harvey Nash, VBPO.
Ra mắt Ban tổ chức VNITO đến từ TPHCM và Hà Nội.
(T.Hương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét