Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

TPP: Cơ hội và thách thức cho ngành gia công của Việt Nam

[TBVTSG] Việc Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà Việt Nam tham gia, chính thức khởi động sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp gia công phần mềm trong nước. Bên cạnh đó, có không ít sự thách thức đang đón chờ, đặc biệt là về vấn đề bản quyền và nguồn nhân lực. Thời báo Vi tính Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), bên lề cuộc hội nghị Phát triển Gia công Công nghệ thông tin Việt Nam (VNITO) do Hội Tin học TPHCM (HCA) cùng QTSC tổ chức vào giữa tháng này.
TBVTSG: Là một chuyên gia trong ngành, ông có thể dẫn chứng những cơ hội mà các doanh nghiệp gia công phần mềm (bao gồm cả lĩnh vực ITO và BPO) có thể tận dụng khi Hiệp định TPP được khởi động?
Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG: Những cơ hội mà Hiệp định TPP đem lại là rất lớn cho hoạt động thương mại của các nền kinh tế thành viên, với thị trường hơn 800 triệu dân. Bản hiệp định này còn đặt ra những vấn đề đang nổi lên có liên quan đến Internet và nền kinh tế số. Các doanh nghiệp gia công công nghệ thông tin (ITO) và gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trong nước có thể tận dụng các cơ hội giao thương mới để chiếm lĩnh các công đoạn trong chuỗi giá trị kinh doanh sản phẩm và dịch vụ chuyên ngành. Ví dụ như ở khâu xử lý kho dữ liệu trong các hoạt động mua bán hàng, người mua hàng có thể mở tài khoản ở Mỹ nhưng dữ liệu sẽ được xử lý ở Việt Nam do lợi thế lao động chi phí thấp. Đặc biệt, các đơn hàng gia công phần mềm của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi mà hai đối thủ mạnh là Ấn Độ và Trung Quốc không tham gia hiệp định TPP.
Để những cơ hội này thực sự biến thành những lợi ích cụ thể thì các doanh nghiệp cần phải làm gì?
Tôi nghĩ các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin sẽ hiểu rõ vấn đề này vì bản thân họ luôn luôn phải năng động và phát huy tính sáng tạo để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Riêng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực ITO và BPO thì điều cần làm là đẩy mạnh hoạt động quảng bá và chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể tập trung vào các thị trường ngách.
Nguồn nhân lực sẽ là một trong những mối thách thức lớn mà các doanh nghiệp phần mềm sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới, vì nhân sự từ những nền kinh tế khác trong cộng đồng TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để làm việc ở Việt Nam, chưa kể tình trạng chảy máu chất xám. Là người điều hành một trung tâm hội tụ nhiều công ty phần mềm như QTSC, ông có lo ngại không?


Đây là quy luật của thị trường. Nhân lực kỹ thuật giỏi của Việt Nam chắc chắn sẽ được các nền kinh tế khác thuộc TPP và AEC thu hút. Ngay chính trong AEC, hai nền kinh tế Malaysia và Thái Lan đang đưa ra những chương trình đầy hấp dẫn để mời gọi nhân tài trong ngành công nghệ của Việt Nam đến đất nước họ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp. Điều này vừa là cơ hội vừa là thách thức. Điều quan trọng là Việt Nam phải tạo ra một lực lượng lao động trong ngành công nghệ phù hợp với tình hình hội nhập. Trong thời gian qua, đã có những sự thay đổi đáng kể trong hệ thống giáo dục nhằm bảo đảm cho chất lượng đào tạo ngày càng phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế nhưng bản thân các doanh nghiệp không thể trông chờ vào hệ thống giáo dục quốc dân. Theo tôi được biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ITO và BPO có ý thức rất rõ vấn đề này và xem việc đào tạo nội bộ là một trong những công việc thường xuyên, hằng ngày. 

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đang rất cần sự chia sẻ từ các nhà giáo dục, cụ thể là bậc giáo dục đại học. Các trường phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và cách tiếp cận thị trường lao động trong ngành công nghệ. Ở sự kiện lớn nhất về ITO/BPO của Việt Nam như VNITO vừa qua, ban tổ chức đã tài trợ và mời các trường đại học lớn có khoa CNTT tham gia để họ hiểu thêm về thị trường, nhằm tăng tính kết nối. Tuy nhiên, trong suốt thời gian diễn ra cuộc hội nghị, chúng tôi không thấy sự hiện diện của những vị đại diện các cơ sở giáo dục này.
Vậy cần phải có những cú hích gì để nguồn nhân lực không trở thành điểm bất lợi của Việt Nam trong sân chơi chung nói trên?
Doanh nghiệp chỉ tập trung vào những vấn đề nhằm bảo đảm lợi ích và tính hiệu quả. Họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm cộng đồng khi có đủ nguồn lực. Vì vậy, việc đòi hỏi doanh nghiệp giải quyết bài toán nhân lực một cách triệt để là điều không thể. Đây là bài toán của xã hội và ngành giáo dục phải có một phần trách nhiệm. Tôi nghĩ các giải pháp thì có nhiều nhưng khi triển khai cần có trọng tâm, trọng điểm, không nên dàn trải.
Một mối thách thức khác lớn không kém trong TPP mà các doanh nghiệp gia công phải đối mặt là vấn đề bản quyền. Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để những quy định về bản quyền không cản trở sự phát triển?
Theo quan điềm cá nhân, tôi cho rằng đây là sự thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp ITO/BPO khi tham gia sân chơi TPP. Việc tuân thủ bản quyền là điều mà các doanh nghiệp luôn luôn phải thực hiện một cách nghiêm túc khi nhận các đơn hàng gia công phần mềm. Các doanh nghiệp cần liên kết mạnh mẽ hơn thông qua các tổ chức, hiệp hội để có được những thông tin được cập nhật một cách đầy đủ và kịp thời về vấn đề bản quyền.
Trong thời gian sắp tới, QTSC sẽ cùng các doanh nghiệp kết nối chặt chẽ hơn với các hãng phần mềm quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của họ cũng như đưa ra những lời đề xuất với những giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Đối với doanh nghiệp nhỏ, công ty khởi nghiệp, chúng tôi sẽ đề xuất cho sử dụng miễn phí một số phần mềm có bản quyền của các hãng. Hiện nay, Microsoft Việt Nam đang cùng QTSC thảo luận những vấn đề có liên quan đến nội dung này.
Trung Châu thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét