Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

“Kỳ vọng QTSC sẽ là mẫu mực của công viên phần mềm khu vực”

Là người có nhiều gắn bó với ngành CNTT và QTSC, tiến sĩ Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ những đánh giá và kỳ vọng của ông dành cho QTSC nhân dịp kỷ niệm 11 năm thành lập công viên phần mềm đầu tiên của Việt Nam. Ông đánh giá cao những nỗ lực phát triển của QTSC và kỳ vọng QTSC sẽ là hình mẫu của công viên phần mềm trong cả nước và khu vực.

Xin ông cho biết ý kiến đánh giá của ông, cũng như của UBND TP.HCM, về thành tựu của QTSC sau 11 năm xây dựng và phát triển?

Đầu tiên, QTSC có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành CNTT ở TP.HCM cũng như của Việt Nam. Hiện nay, có nhiều tỉnh bày tỏ mong muốn xây dựng những công viên phần mềm tương tự như mô hình QTSC. UBND TPHCM rất sẵn lòng để giúp đỡ các tỉnh nhân rộng mô hình này và tạo nên chuỗi QTSC ở Việt Nam.

Thứ hai, thành công QTSC là đã tạo nên một thương hiệu mạnh của Việt Nam và mang tầm quốc tế. Nhiều công ty nước ngoài biết đến Việt Nam có ngành CNTT thông qua việc họ biết QTSC. 

 
Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà

Để QTSC có thể đạt đến những mốc phát triển mới về lượng và chất, phía chính quyền thành phố có những định hướng và chỉ đạo cụ thể nào với những người lãnh đạo QTSC hiện nay, thưa ông?

Chỉ đạo của UBND TPHCM là QTSC phải tự rà soát nhằm biết được các điểm mạnh, điểm yếu để kịp thời tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Công ty phải mạnh để tạo ra sự phát triển đột phá cho Công viên phần mềm. QTSC cần phải thu hút thêm các tập đoàn hàng đầu thế giới về CNTT vào hoạt động tại đây. Hiện nay, phát triển của QTSC là sự phát triển bình thường, chưa có đột phá đặc biệt. 10 năm đầu tiên QTSC đã đạt được những kết quả khả quan. Chúng tôi muốn mỗi năm tiếp theo QTSC phải phát triển bằng nhiều năm của giai đoạn đầu.

Đó là phát triển về chất. Về lượng thì nhiệm vụ của QTSC phải tìm được địa điểm để xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung thứ 2. Khi có Công viên thứ 2 và có chuỗi QTSC tại các tỉnh khác thì chúng ta có thay đổi lớn về lượng. Mà lượng đổi thì chất đổi, nghĩa là chúng ta có công nghiệp phần mềm mạnh cả chất lẫn lượng.

Xin ông cụ thể về yếu tố “đột phá” trong chính sách cũng như trong đề xuất của QTSC?

Muốn phát triển đột phá thì phải có chính sách đột phá. Với những chính sách như hiện nay thì QTSC nói riêng và công nghiệp phần mềm chỉ có thể phát triển ở tốc độ trung bình, không có sự đột biến nào. Các chủ trương mới, chính sách mới thường xuất phát từ thực tiễn. Do đó, chính những người trực tiếp làm phần mềm, những người đang điều hành hoạt động của công viên phần mềm là những người có thể  đề xuất những chính sách mới sát thực nhất và mang tính đột phá nhất. QTSC đã được giao nghiên cứu và đề xuất các giải pháp mới cho sự phát triển của các công viên phần mềm, trong đó có QTSC. UBND thành phố sẽ tổng hợp các đề xuất này để kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách mang tính đột phá cho phát triển ngành công nghiệp phần mềm.

Để lợi thế giá rẻ không còn là điểm mạnh và thay thế vào đó là lợi thế về nguồn nhân lực CNTT cao cấp, UBND TPHCM có những chính sách hỗ trợ nào đối với các doanh nghiệp chuyên về đào tạo nghề/giáo dục đại học chuyên ngành CNTT đang hoạt động trong QTSC?

Hiện nay TPHCM đã có Quỹ Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT. Theo đó, các cá nhân và tổ chức sẽ được vay với lãi suất 0% để theo học các khóa đào tạo về CNTT.  Còn doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo CNTT thì được vay với lãi suất rất thấp so với lãi suất vay hiện tại của các ngân hàng. Tuy nhiên hiện này chưa nhiều đơn vị vay vốn của Quỹ do có một số khó khăn như không có tài sản thế chấp.  

Để có nguồn nhân lực mạnh, tôi muốn nhắc lại, phải có chính sách đột phá cho phát triển CNTT trong đó có chính sách về phát triển nguồn nhân lực.

Ông có kỳ vọng gì với QTSC trong hiện tại và tương lai?

Tôi kỳ vọng QTSC sẽ trở thành hình mẫu của công viên phần mềm trong cả nước và khu vực.

Xin cảm ơn ông.

Nguồn: QTSC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét