Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Nâng tầm Việt Nam trên bản đồ phần mềm toàn cầu

[Người Đô Thị] Tại hội nghị gia công công nghệ thông tin lớn nhất lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (VNITO 2015, báo Người Đô Thị bảo trợ thông tin) hồi trung tuần tháng 10, các chuyên gia cho rằng cần tăng năng lực kết nối để kiến tạo cộng đồng IT lớn mạnh hơn, hỗ trợ việc đa dạng hóa thị trường, tận dụng các cơ hội mới và nhiều doanh nghiệp có thể chủ động tham gia vào mạng phân phối phần mềm trên toàn cầu.
Cơ hội thị trường rộng hơn

Theo khảo sát của công ty tư vấn và nghiên cứu về IT, Gartner, năm 2014 Việt Nam xếp hạng nhất về lĩnh vực gia công phần mềm tại châu Á, ngang bằng Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Việt Nam hiện cũng là nơi cung cấp dịch vụ gia công phần mềm lớn thứ hai cho Nhật Bản sau Trung Quốc.

Một nghiên cứu do Cushman & Wakefield thực hiện cho biết, năm 2015 Việt Nam lần đầu tiên vươn lên hạng đầu trong danh sách các nước cung cấp dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO), nhờ Chính phủ triển khai các chính sách ưu đãi cho ngành IT. Khảo sát của công ty nghiên cứu và tư vấn về gia công toàn cầu Tholons cũng cho thấy TP.HCM và Hà Nội được xếp hạng 18 và 20 trong 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm trên thế giới.

Theo bà Yuko Adachi, Phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Indonesia, Bangladesh và Thái Lan cũng có những bước phát triển mạnh trong lĩnh vực này, Việt Nam thể hiện được tính cạnh tranh cao nhất trong khu vực. Chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần xây dựng thế mạnh trên chi phí nhưng hợp tác cải thiện môi trường kinh doanh công nghệ an toàn hơn, cơ sở hạ tầng an ninh hơn để có thêm nhiều cơ hội, đặc biệt về quản lý dịch vụ IT.
Các đại biểu tại VNITO 2015. Ảnh TL
Ngành gia công phần mềm Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mới sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được áp dụng. Theo nhận định của ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng giám đốc QTSC, TPP được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp IT Việt Nam thông qua các thỏa thuận mở rộng về mạng lưới viễn thông, internet và các hoạt động thương mại điện tử nội khối. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ, hai nhà gia công phần mềm hàng đầu chưa tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong việc tận dụng thỏa thuận và mở rộng thị trường ra 12 nước trong khối.

Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung, LG, Fujitsu, Canon, Panasonic đầu tư đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Nhiều công ty danh tiếng khác như HP, Bosch, Toshiba, NEC, Panasonic, Sony, Sharp, Hitachi, Boeing, Deutsche Bank... cũng chuyển các trung tâm nghiên cứu, phát triển phần mềm đến Việt Nam. Cùng với đó là sự thành công của những công ty IT trong nước như FPT, TMA, Global Cybersoft, Logigear, KMS... góp phần mang hình ảnh ngành IT Việt Nam ra thế giới.

Chủ tịch Paul Smith của Harvey Nash, một công ty có hơn 2.000 kỹ sư tại Việt Nam, cho biết nhiều phần mềm của họ đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới do chính các kỹ sư IT Việt Nam phát triển. Chẳng hạn phần mềm quản lý 4 triệu học sinh tại Anh; phần mềm gọi điện thoại di động với hơn 20 triệu người dùng tại Mỹ; hay phần mềm quản lý y tế giúp giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán, cải thiện và tăng hiệu quả trong chăm sóc bệnh nhân được cả triệu nhân viên y tế sử dụng; giải pháp hình ảnh cho việc tìm kiếm trên Google được hàng trăm triệu người dùng. “Các kỹ sư Việt đang dẫn dắt thế giới” - ông Paul Smith tự tin.


Nguồn: Sách trắng công nghệ thông tin 2014 - Bộ Thông tin và Truyền thông
Một khảo sát do KPMG thực hiện đối với một số doanh nghiệp gia công phần mềm tại Việt Nam cho thấy, hơn 70% công ty mong đợi mức tăng trưởng 20% vào năm sau. Các công ty này đều có kế hoạch mở rộng kinh doanh, cơ sở tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng tại các thị trường châu Âu, Úc, Mỹ và một số thị trường châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù phải cải thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng viễn thông, internet và cấp điện, nhưng Việt Nam vẫn cạnh tranh hơn các nước khác nhờ các chính sách mở cửa và ưu đãi về thuế. Những yếu tố này đang khuyến khích đầu tư vào các công viên phần mềm tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Bà Yuko Adachi khuyến nghị: “Thị trường công nghệ biến động nhanh chóng, cần ra giải pháp đón đầu các xu hướng mới để có thể cạnh tranh; kiến nghị Chính phủ cùng làm việc với doanh nghiệp để giải quyết những thách thức nhằm tăng khả năng chuyên môn của toàn cộng đồng IT Việt Nam”.

Nhân lực tay nghề cao: cần số lượng lớn

Hiện Việt Nam có hơn 6.000 doanh nghiệp phần mềm nhưng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ (chiếm 80%), với nhân công dưới 100 người và doanh thu hàng năm dưới 2,27 triệu USD. Theo khảo sát của Adecco, năm 2015, mức lương trung bình của lập trình viên IT là 569 USD/tháng, cấp bậc quản lý là 2.049 USD, chỉ bằng 25-35% đồng nghiệp tại Trung Quốc. “Giá cả nhân công tại các trung tâm ITO khác như Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo thêm cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến thay thế”, theo ông Nguyễn Công Ái - Phó chủ tịch KPMG Vietnam.


Ngành công nghiệp IT có mức tăng trưởng trung bình 61% từ 2010-2013, đạt doanh thu 39,53 tỉ USD năm 2013, tăng trưởng 55,3% so với năm 2012. Riêng ngành công nghiệp phần mềm đạt 1,36 tỉ USD, tăng 12,7%.
Lợi thế đưa Việt Nam thành điểm đến cho các dịch vụ gia công phần mềm là lực lượng lao động trẻ, dễ đào tạo và giá rẻ. Nhân lực Việt Nam được đánh giá nhiệt huyết, chăm chỉ, dễ thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions nhớ lại, ở giai đoạn đầu của ngành gia công phần mềm, các kỹ sư Việt Nam được đánh giá “có tay nghề giỏi và nhiều ý tưởng độc đáo, nhưng kỹ năng giao tiếp và thể hiện ý tưởng cũng như năng lực ngoại ngữ là một rào cản lớn”.

Để tuyển dụng số lượng lớn nhân lực tay nghề cao một lúc là vấn đề rất khó, ông Lệ cho biết. Giải pháp của TMA là thành lập trung tâm đào tạo sinh viên, huấn luyện các nền tảng kỹ năng để bù đắp những kiến thức họ chưa được trang bị ở trường đại học. Bằng cách đó TMA từ nhóm 6 kỹ sư năm 1995 tăng lên 1.800 hiện nay, trở thành một doanh nghiệp gia công phần mềm viễn thông hàng đầu của Đông Nam Á.


Phiên tọa đàm tại VNITO 2015. Ảnh TL

Trong chiến lược phát triển nhân lực ngành IT, Việt Nam đặt chỉ tiêu đến 2015 đào tạo được ít nhất 30% sinh viên ngành IT khi tốt nghiệp thành thạo ngoại ngữ và có tay nghề đạt chuẩn thị trường quốc tế. Con số này sẽ tăng lên 80% vào năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Lệ, để đạt được những mục tiêu này, phải có sự chung sức giữa các doanh nghiệp IT và các đơn vị đào tạo nhân lực, như tạo thêm các cơ hội thực tập thực tế cho sinh viên, để họ biết được những yêu cầu thực sự trước khi bước vào thị trường lao động, đặc biệt khi Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập mới.

Việt Nam, với dân số khoảng 90 triệu, cung cấp khoảng 1,5 triệu lao động cho thị trường mỗi năm. Trong khi đó, lực lượng tốt nghiệp từ 290 trường đại học, trung cấp tham gia vào thị trường lao động hàng năm khoảng 40.000, chưa kể 160.000 du học sinh mỗi năm có thể gia nhập thị trường. Bà Yuko Adachi cho rằng Việt Nam cần có sự lựa chọn đúng đắn nhất với năng lực của mình: cạnh tranh trực tiếp với đối thủ bằng chi phí cực thấp và đội ngũ kỹ sư đông đảo, điều này cần quan tâm rằng nếu chỉ đơn thuần về chi phí sẽ dễ đánh mất chuẩn mực công ty vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; hoặc chọn cách thức đi vào thị trường ngách bằng các mô hình đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của công nghệ; hoặc chọn cách tích hợp các mô thức chuyển giao dịch vụ cho khách hàng dựa vào lợi thế về cung cấp dịch vụ chất lượng.
Ninh Hạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét