Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hợp lực để tăng cạnh tranh

Các sản phẩm phần mềm thương hiệu Việt có đủ khả năng bán được trên thị trường thế giới khi có hướng đi phù hợp và chọn lựa những lĩnh vực riêng là thế mạnh của mình. Hợp tác và phát huy nguồn nhân lực tốt là những vấn đề cốt lõi để các sản phẩm phần mềm Việt có thể có chỗ đứng riêng không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế, theo các chuyên gia.

Thị trường phần mềm (sản xuất và gia công) của Việt Nam có yếu tố cạnh tranh cao, có giá tốt. Tuy nhiên theo các chuyên gia trong thời buổi khó khăn hiện nay những lợi thế này sẽ mất đi và các doanh nghiệp phải có những hướng đi phù hợp. Bên cạnh tự lực cánh sinh và phát triển nguồn nhân lực thì tạo thành một “bó đũa” liên kết nhằm tạo thương hiệu chung cho sản phẩm Việt là giải pháp khả thi.

Tại một công ty phần mềm trong Công viên phần mềm Quang Trung
Bó đũa sức mạnh
Công ty TMA sau hơn 10 năm gia công phần mềm cho các khách hàng trên toàn thế giới và tích lũy được về tài chính, về công nghệ và kỹ thuật, TMA từ cách đây 3 năm đã đầu tư phát triển một số sản phẩm “made-in-Vietnam” về ứng dụng trên mobile, ứng dụng công nghệ di động trong doanh nghiệp. Những sản phẩm của TMA đã bắt đầu bán trên thị trường một số nước như châu Âu, Mỹ, Singapore, Malaysia, Nhật Bản.
Trong khi đó Công ty cổ phần Misa chọn hướng đi tạo ra sản phẩm giải quyết các nhu cầu cơ bản của xã hội và đáp ứng đúng nhu cầu thực tế về quản trị của các doanh nghiệp và các đơn vị xây dựng sự nghiệp ở Việt Nam. “Khi trong nước đã vững, chúng tôi sẽ xuất khẩu những giải pháp đó ra các thị trường bên ngoài,” ông Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc của công ty Misa tại TP.HCM, cho biết. “Và hiện nay chúng tôi có khoảng 100 ngàn khách hàng đang sử dụng các dòng sản phẩm phần mềm quản trị mà Misa tự nghiên cứu xây dựng và phát triển cho đến ngày hôm nay.”
Ông Trần Phúc Hồng, Phó giám đốc TMA, cho biết cái khó nhất khi mình phát triển sản phẩm của mình không phải là vấn đề kỹ thuật mà là làm thế nào để tiếp thị và bán được sản phẩm đó ở thị trường các nước. Để có thể cạnh tranh tốt được thì các công ty Việt Nam phải làm sao để tạo thành một cái “chợ” để người ta tìm đến mình mua sản phẩm của mình, từ đó tạo ra một sức mạnh tổng hợp giúp mình cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới
Thực tế có nhiều doanh nghiệp đang tìm hướng liên kết với nhau. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hỗ trợ nhau về thị trường mà còn góp phần xây dựng nên thương hiệu chung cho ngành phần mềm nói riêng.
Ví dụ ở QTSC, những năm vừa qua có các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ các giám đốc các doanh nghiệp phần mềm trong công viên phần mềm Quang Trung, câu lạc bộ các nhà nhân sự của các công ty phần mềm, câu lạc bộ các khách hàng đầu tư… Những hoạt động này nhằm mục đích xem xét các lợi thế của nhau để cùng hợp tác, phát triển chứ không phải cùng cạnh tranh lẫn nhau. “Khi các giám đốc, các nhà quản lý nhân sự chơi thân với nhau thì tuy không có một thỏa thuận chính thống nhưng cũng ngầm hiểu rằng là họ sẽ không giành giật nhân sự của nhau mà phải hợp tác với nhau khi có những dự án lớn. Như vậy các công ty có thể liên kết với nhau, tạo thành một khối các công ty để cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc QTSC, cho biết.
Cốt lõi nhân sự
Đối với ông Nguyễn Thanh Hà, trong lĩnh vực CNTT nói chung và phần mềm nói riêng, yếu tố cốt lõi nhất là con người và hàm lượng chất xám để đáp ứng sự thay đổi liên tục của công nghệ và xu hướng thị trường – đặc thù của ngành này. “Ở Misa chúng tôi vận hành song song hai hệ thống đào tạo nội bộ và đào tạo bên ngoài và dành ngân sách rất lớn cho việc này,” ông Hà nói.
Bên cạnh đó, Misa đưa các sản phẩm mình phát triển cho thị trường Việt Nam vào giảng dạy ở gần 500 trường để các gần gũi hơn với người dùng và đặc biệt là tiếp cận đội ngũ lao động kế thừa trong tương lai.
Ông Trần Phúc Hồng thì cho biết lâu nay TMA hợp tác với hơn 20 trường đại học ở khu vực phía nam từ vấn đề thực tập, đào tạo giảng viên và giúp cho những sinh viên thông tin về công nghệ mới, về nhu cầu tuyển dụng, giúp cho các sinh viên sẵn sang hơn làm việc trong các doanh nghiệp khi ra trường. Ngoài ra, TMA có riêng một trung tâm thực tập cho sinh viên, 1 năm tiếp nhận khoảng 300 sinh viên để thực tập và giúp các sinh viên bổ sung kiến thức về công nghệ mới. Từ lực lượng, hàng năm TMA luôn sàng lọc được nguồn nhân tài ổn định cho riêng mình.
Về vấn đề này, hiện QTSC đang hỗ trợ các khóa đào tạo miễn phí cho các doanh nghiệp đang cần đào tạo, tạo liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. “Ngoài ra chúng tôi còn có triển khai hỗ trợ cho một số đơn vị làm công việc tuyển dụng và tái đào tạo cho doanh nghiệp,” ông Long nói.
Theo các chuyên gia thì với những chính sách về nhân sự và hợp tác, các doanh nghiệp cần làm ra các sản phẩm phù hợp với người Việt Nam và các thị trường có nhu cầu tương tự, không cần làm ra các sản phẩm vượt quá tầm để từ đó có sự nhận diện thương hiệu tốt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn: Tieu Nha – The Saigon Times Weekly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét