Nhìn lại con đường hơn 20 năm đã qua của SAIGONTECH, điều khắc họa rõ nét nhất có lẽ được gói gọn trong câu thành ngữ “giấy rách phải giữ lấy lề”. Đó quả thật là kim chỉ nam cho nhà trường tìm mọi cách thoát khỏi hiểm cảnh trong quá trình trưởng thành đầy tự hào nhưng cũng rất chông gai của mình.
Vào giữa những năm 1990 khi khái niệm “đảm bảo chất lượng” vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành giáo dục-đào tạo Việt Nam, những nhà sáng lập SaigonTech đã mơ về một ngôi trường hoạt động theo mô hình quản lý chất lượng của Mỹ. Và đến năm 2000, hưởng ứng chủ trương của chính phủ về 10 công trình trọng điểm của TPHCM, những nhà sáng lập đã chọn Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) để đặt ngôi trường mơ ước của mình với rất nhiều kỳ vọng; và quả thật, QTSC đã giúp SaigonTech đạt được những thành công ban đầu.
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
Cách đây hơn 20 năm, để đưa được một chương trình đào tạo của Mỹ vào Việt Nam là một điều cực kỳ khó khăn; rồi đảm bảo được một môi trường bên trong và bên ngoài phù hợp với chuẩn chất lượng của Mỹ còn khó khăn gấp bội. Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường, sự hỗ trợ nhiệt tình của thành phố và QTSC, năm 2001 SaigonTech đã tuyển được lứa sinh viên ngành lập trình đầu tiên với 180 em.
Đối với giảng viên, những năm đầu hoạt động vừa phấn khích, vừa gian nan. Phấn khích là vì lần đầu tiên giảng dạy một chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Gian nan vì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của giám định Hoa Kỳ, và phải giảng dạy bằng tiếng Anh, theo những phương pháp hoàn toàn khác với các phương pháp ở Việt Nam trong những năm 1990 - phương pháp student-centered, lấy sinh viên làm trung tâm và luôn sẵn sàng cho các lần kiểm soát chấtlượng của Đại học Cộng đồng Houston (Houston Community College-HCC) và Hiệp hội các trường học miền Nam Hoa Kỳ (SACS).
Đối với sinh viên, trải nghiệm có lẽ được mô tả bằng một từ “shocked”. SaigonTech với triết lý của giáo dục Mỹ về trường học mở, cơ hội rộng mở cho tất cả các bạn nào muốn học. Đây quả thật là một câu chuyện lạ lùng, trong bối cảnh thi đậu đại học là con đường duy nhất để học lên sau khi tốt nghiệp phổ thông. Sau những vui mừng đó, các em đã nhận ra rằng giáo dục theo kiểu Mỹ là cho các em cơ hội “làm sinh viên Mỹ trên đất Việt”. Nhưng có học được đến cùng, lấy được bằng hay không, tất cả phải dựa vào cố gắng của chính mình. Shock không thể tả được, vì chưa bao giờ các em phải học nhiều như thế, phải tự thay đổi mình nhiều như thế.
Đối với lãnh đạo nhà trường, vận hành một trường học theo chuẩn Hoa Kỳ quả thật gian nan. Trong khuôn viên trường chỉ được phép dùng tiếng Anh, vậy nên không chỉ giảng viên, mà từ Ban Giám hiệu đến nhân viên các phòng ban, tất cả đều phải thông thạo tiếng Anh, để tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên đang theo học tại Việt Nam. Cựu Hiệu trưởng HCC, Dr. Bruce Leslie đã chia sẻ với các sinh viên rằng, dù cách xa hàng ngàn dặm nhưng sinh viên SaigonTech chỉ khác với sinh viên Houston về mặt địa lý và học phí, còn lại mọi thứ đều như nhau.
Đảm bảo chất lượng theo chuẩn Hoa Kỳ cũng là một thách thức rất lớn với SaigonTech, khi việc đạo văn, mua điểm,… khá phổ biến ở Việt Nam trong những năm đó. Mạnh dạn đánh rớt sinh viên quay cóp, hoặc chép nguyên xi trong sách; từ chối các cuộc gọi xin điểm của các phụ huynh có “máu mặt”, rà soát tỉ mỉ để phát hiện các chứng chỉ TOEFL giả, buộc thôi việc các giảng viên vòi vĩnh sinh viên… Tất cả những việc này thật sự bất bình thường nhưng lại là điều hiển nhiên, bắt buộc phải thực hiện khi hợp tác với các trường của Mỹ.
Tiêu chuẩn giảng viên của HCC và SACSYêu cầu Cấp độ I của SACS (các môn đại cương): Bằng thạc sĩ + 18 tín chỉ liên quan hoặc bằng thạc sĩ chuyên ngànhYêu cầu Cấp độ II của SACS (các môn cơ sở ngành): Bằng thạc sĩ + 18 tín chỉ liên quan hoặc bằng thạc sĩ chuyên ngànhYêu cầu Cấp độ III của SACS (các môn chuyên ngành): Cùng trình độ đào tạo hoặc cao hơn trong giảng dạy + 36 tháng kinh nghiệm làm việc chuyên ngànhTất cả các cấp độ đều phải thông thạo tiếng Anh học thuật và giao tiếp (TOEFL International 600+)
HỮU XẠ CÓ TỰ NHIÊN HƯƠNG?
Là một phân hiệu chính thức tại Việt Nam của HCC, SaigonTech thừa hưởng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo của Mỹ, và đã áp dụng rất thành công tại Việt Nam. Sinh viên của SaigonTech được các doanh nghiệp đánh giá rất cao về khả năng tiếng Anh, tư duy sáng tạo, thái độ làm việc tích cực, chủ động.
Năm 2005, khi lứa sinh viên đầu tiên ra trường, SaigonTech đã tạo được tiếng vang. Sinh viên có việc làm tốt và rất thành công trong sự nghiệp. Phụ huynh, sinh viên hưởng ứng tích cực tầm nhìn “Tiềm năng tài nguyên tri thức phong phú của Việt Nam cần phải được chuyển thành lực lượng lao động có trình độ quốc tế bằng cách phát triển các chương trình giáo dục đào tạo, những cơ hội thực hiện các dự án kỹ thuật cùng với các hoạt động nghiên cứu và phát triển” của trường. Vì thế, số lượng sinh viên nhập học tăng đều đặn (Đến nay, gần 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp chương trình AAS và được nhận bằng của HCC).
Tuy nhiên, tự hài lòng với những gì đạt được sau một chặng đường chông gai đã khiến SaigonTech phải trả giá đắt. Trong bối cảnh nền kinh tế internet với thế hệ công dân ăn ngủ cùng internet, trường đã không kịp đổi mới tư duy để đồng hành với những “khách hàng” Gen Z. Gen Z không thích học nhiều, học khó; Gen Z không thích các giờ lý thuyết khô khan, Gen Z thích trải nghiệm; Gen Z không thích lớp học truyền thống, Gen Z thích các giảng viên là hotboy, hotgirl… Không đáp ứng những sở thích này, Gen Z sẽ không chọn bạn. Chất lượng đào tạo không còn là tiêu chí đáng kể, mà chỉ là một trong các yếu tố để cân nhắc mà thôi.
Bên cạnh đó, mô hình hợp tác quốc tế dần được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, một số trường đã hạ thấp chuẩn đào tạo để thu hút sinh viên, vừa vặn rất hợp “gu” của GenZ, nhưng cũng làm cho các chương trình quốc tế bị vạ lây, không dễ xử lý. Câu chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” của SaigonTech dường như có nguy cơ chấm dứt từ đây!
HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
Trong khi đang loay hoay tìm giải pháp để vừa đáp ứng nhu cầu của sinh viên, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo thì cuộc khủng hoảng tài chính tại Việt Nam giai đoạn 2009-2012 đã đánh một đòn chí mạng vào sự tồn tại của trường.
Là trường tư thục, nhà trường phải tự cân đối thu chi. Với tiêu chí “Chấtlượng Mỹ, học phí Việt Nam”, học phí của trường rất thấp so với học tại Mỹ (20%), nhưng mức học phí này cũng khá cao ở Việt Nam. Khủng hoảng tài chính làm cho khả năng chi trả của phụ huynh giảm xuống, nhiều sinh viên phải nghỉ học, tình hình tuyển sinh giảm sút rõ rệt và kéo dài.
Không tuyển sinh được không phải là câu chuyện cá biệt của SaigonTech, mà là câu chuyện chung của rất nhiều trường cao đẳng, thậm chí đại học của Việt Nam.
CHẠM ĐÁY
Khi “thiên thời”, “địa lợi” đã mất đi, “nhân hòa” vốn là yếu tố thành công của trường cũng đang dần bị bào mòn. Ít sinh viên, không thu được học phí, không trả lương đúng hạn cho giảng viên, nhân viên, nợ bảo hiểm… không thể trách được nhân viên ra đi, chỉ trách mình lực bất tòng tâm.
Trong tình thế bị dồn vào chân tường, ban lãnh đạo nhà trường cùng với các thành viên cốt cán vẫn kiên trì tìm con đường thoát ra khỏi bế tắc. Các phương án lần lượt được xem xét, thậm chí là cả “bán trường”. Điều vừa hiển nhiên vừa đau lòng đã xảy ra, chẳng ai muốn mua một ngôi trường không tương lai cả, dù có một quá khứ tốt đẹp đến đâu. Những giá trị rất căn bản của một cơ sở giáo dục như đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, kinh nghiệm quản lý chất lượng, kinh nghiệm hợp tác quốc tế… không có giá trị gì đáng kể trong mắt các nhà đầu tư nếu không có sinh viên.
Nhiều cố vấn tái cấu trúc có bề dày kinh nghiệm quốc tế đến trường tìm hiểu với mong muốn tìm ra giải pháp khả dĩ đưa trường đi lên đều có kết luận chung: trường chỉ cần có nguồn tài chính ổn định, ngoài ra không cần thay đổi gì cả. Lại quay về vấn đề “đầu tiên”. Và đây là bài toán không thể có lời giải trong ngắn hạn.
BIẾN THẾ NĂNG THÀNH ĐỘNG NĂNG DỰA VÀO NỘI LỰC
Rất may mắn, những gì tích lũy được trong những năm qua đã giúp cho trường có tiềm năng rất lớn. Thế năng này có thể biến thành năng lượng dồi dào nếu có một tác động vừa đủ để thắng được cơn ngủ đông dai dẳng. Công thức khá đơn giản: tái cấu trúc HĐQT, kết nạp một số nhà đầu tư nhỏ nhưng hiểu sâu về giáo dục và có cam kết về chất lượng; rót một lượng vốn vừa phải để tái khởi động. “Bụt chùa nhà không thiêng”, chỉ sau khi các chuyên gia tái cấu trúc vào làm việc và có kết luận giống như những gì Ban Giám hiệu đã kiến nghị trước đây là phải thay đổi từ nội tại chứ không thể trông chờ vào ngoại binh, những bước đầu tiên mới được triển khai.
Cuối năm 2020, sau khi tái cấu trúc HĐQT, một kế hoạch chi tiết dựa trên KPI đã được triển khai để giải quyết những vấn đề “cần thiết” và “cấp bách".
CHÁO NÓNG HÚP QUANH, NỢ TRẢ DẦN
Năng lượng thấp, tỷ lệ nghỉ việc cao, nợ lương, bảo hiểm của nhân viên, nợ nhà cung cấp kéo dài…, đó là bức tranh khá ảm đạm của SaigonTech cách đây gần hai năm. Một kế hoạch gồm nhiều giai đoạn ngắn được đưa ra, bite-to-bite, với KPI cụ thể cho từng giai đoạn.
Khi kế hoạch cải tổ được truyền thông rộng rãi tới nhân viên với thành phần HĐQT mới, lòng tin của cán bộnhân viên được khôi phục; nhờ đó đã kêu gọi được vốn vay của nhân viên để trang trải các khoản nợ cấp bách. Ban Giám hiệu đã cùng với các nhà cung cấp lên kế hoạch trả nợ, giải quyết nguy cơ chảy máu chất xám ồ ạt và đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình quản lý của doanh nghiệp, nhà trường lập tức bổ nhiệm COO để thúc đẩy sự thay đổi triệt để, với kết quả cụ thể, đo được, nhìn thấy được trong công tác tuyển sinh và vận hành trường, nhằm nâng cao tinh thần CBNV, tăng sinh khí của trường. Kết quả đạt được thật đáng khích lệ, nhà trường đạt được hầu hết các chỉ tiêu đề ra, trong đó tuyển sinh đạt 150% KPI.
Sau thành công của giai đoạn 1, trong giai đoạn 2 nhà trường thực hiện các giải pháp căn cơ để thay đổi toàn diện hoạt động. Từ tháng 3-2022, sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, SaigonTech trở lại hoạt động bình thường. Trường triển khai sâu rộng chiến lược phát triển của các khoa, các phòng ban trong giai đoạn 2022-2024 và phát triển bộ công cụ quản lý trường hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra về tuyển sinh, tỷ lệ giữ chân sinh viên, chuẩn hóa chương trình đào tạo của trường, cân đối thu chi...
KHÔNG BAO GIỜ BỎ QUÊN CHẤT LƯỢNG
Dù trải qua nhiều thăng nhưng SaigonTech chưa bao giờ buông lỏng vấn đề cốt lõi là chất lượng, bao gồm chất lượng đội ngũ giảng viên, tính tuân thủ quá trình đảm bảo chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp. Đây chính là nền tảng để nhà trường có thể bật dậy trong thời gian ngắn sau khi tái cấu trúc.
Chất lượng đã trở thành văn hóa của trường trong sự phát triển 20 năm của mình, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động đào tạo và phục vụ sinh viên. Ngay trong thời gian khó khăn nhất, trường chưa bao giờ nhận được sự phàn nàn từ các nhà tuyển dụng về chất lượng đào tạo. Sinh viên SaigonTech có thể cạnh tranh việc làm ngang ngửa với sinh viên các trường đại học khác trong các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề, kỹ năng mềm tốt, thái độ tích cực.
Với phương châm học đi đôi với hành, nhà trường đảm bảo tất cả các ngành học đều phải tuân theo công thức 30% lý thuyết + 70% thực hành, trong đó có ít nhất 2 học kỳ sinh viên được gửi tới các doanh nghiệp thực tập toàn thời gian ở các vị trí công việc khác nhau. Trước khi đi thực tập, trong khi học tại trường, sinh viên đã được tham gia vào các câu lạc bộ thực chiến, thực hiện các nhiệm vụ giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh hoặc quản lý các dự án nhỏ với các đầu việc như tại doanh nghiệp.
Nhà trường cũng áp dụng triệt để mô hình giáo dục nghề nghiệp của Đức, mô đun hóa chương trình học để đóng gói các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết cho các vị trí công việc bằng các chứng chỉ khác nhau, để thuận lợi cho sinh viên xin việc sau khi tốt nghiệp..
Với những nỗ lực trong thiết kế và thực hiện chương trình, đa số sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tại chính các doanh nghiệp đã từng thực tập. Đây chính là cách tốt nhất để tổ chức dạy nghề cho sinh viên, đáp ứng được thói quen học tập của GenZ và nhu cầu của doanh nghiệp, chính là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (sinh viên và người sử dụng lao động) trong bối cảnh mới.
BÀI HỌC
Với sự thay đổi như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0, không ai có thể đứng ngoài sự thay đổi này. Nhà trường với lý do tồn tại vì sinh viên, không thể không tính đến những ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đến sinh viên của mình. Với tốc độ thay đổi chóng mặt của thị trường lao động và các yêu cầu đối với các vị trí việc làm, SaigonTech phải không ngừng cập nhật các thông tin mới, kịp thời đưa ra các đối sách để đáp ứng các thay đổi này một cách nhanh nhất.
Muốn vậy, điều quan trọng nhất là lãnh đạo trường phải có sự thay đổi về chất, với sự năng động, thấu hiểu và biết lắng nghe. Chỉ như vậy mới nhận được các tín hiệu thay đổi của thị trường lao động, vốn đang vận động một cách âm thầm, không ngừng nghỉ, nhưng rất mãnh liệt, mà nếu thiếu cảnh giác sẽ khó có thể nhận ra trong vô số tiếng vọng của sự chủ quan, đánh giá thấp tiếng nói của “khách hàng”.
Trong kỷ nguyên số, mọi thay đổi sẽ không đợi chúng ta.