Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Cần có thêm chính sách ưu đãi cho phát triển phần mềm

Để khai thác hết tiềm năng thế mạnh, gia tăng sức hút cho CNTT Việt Nam, cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực phát triển phần mềm và nhất quán trong việc ban hành và thực thi những ưu đãi đó. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc QTSC – trong cuộc trao đổi với Nhịp Sống Số.
Ông Nguyễn Đức Hiền - CTHĐTV - GĐ QTSC

 Xin ông hãy cho biết những thế mạnh của Việt Nam tạo nên sức hút về gia công CNTT trên thị trường toàn cầu?
        Việt Nam đang có 5 thế mạnh tạo nên sức hút về gia công CNTT trên thị trường toàn cầu:
       Thứ nhất là cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao Châu Á đã chọn Việt Nam là điểm đầu tư lâu dài, trong đó có Intel, Samsung, LG, Renesas, Foxcon, Fujitsu, Canon, Panasonic đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam; HP, CSC, Alcatel-Lucent, Cisco, Avaya, NTT, Toshiba, NEC, Panasonic, Sony, Sharp, Hitachi, Boeing, Deutsche Bank đã chuyển phần nghiên cứu và phát triển về Việt Nam.
        Hai là Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào với trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ trên 290 trường đại học trên cả nước.
       Thứ ba, Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm; bên cạnh đó là các ưu đãi thuế và chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
       Thứ tư, giá cả dịch vụ gia công phần mềm tại Việt Nam dù có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn Đông Âu và Ấn Độ. Và cuối cùng, tỉ lệ lạm phát thấp hơn 10% hàng năm là lợi thế so sánh quan trọng của thị trường Việt Nam
Một góc Công viên Phần mềm Quang Trung
Theo ông, TPHCM và chính phủ cần làm những gì để hỗ trợ ngành gia công phần mềm phát triển?
        Các công ty CNTT VN tham gia vào thị trường ITO thế giới ngày càng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đang tăng. Vì vậy, nhà nước cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực phát triển phần mềm và nhất quán trong việc ban hành và thực thi những ưu đãi đó.
        Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực chuyên ngành IT là rất cần thiết. Cần có chính sách, cơ chế ưu đãi, ưu tiên đào tạo nhân lực có chất lượng cao, hoặc liên kết với các trường đại học nước ngoài để đưa những giáo trình mới, tiên tiến áp dụng giảng dạy ngay tại Việt Nam.
        Cũng cần có, cần gia tăng hỗ trợ quảng bá cho các doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là ưu tiên cho những doanh nghiệp lớn (từ 1000 người trở lên); Hỗ trợ quảng ngành CNTT ra quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến để tô đậm hình ảnh thành công của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
        Ngoài ra, VN đang vấp phải rào cản về ngôn ngữ, về chất lượng nhân sự cũng như nguồn cung của các nhân sự chất lượng cao. Chi phí lao động đang tăng cũng giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác. Vì vậy, TPHCM và VN cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tiếng Anh tốt để đáp ứng nhu cầu của thị trường
Xin ông hãy cho biết, những lợi thế của ngành phần mềm VN khi được các tổ chức chuyên tư vấn quốc tế đánh giá xếp hạng về outsourcing -  xếp Việt Nam ở những thứ hạng cao nhất?
        Việc được các tổ chức chuyên xếp hạng về outsourcing quốc tế xếp hạng Việt Nam ở thứ hạng cao chính là một cơ hội lớn để quảng bá Việt Nam như là một thị trường hấp dẫn nhất về Gia công phát triển CNTT. Từ đó sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn của thế giới lựa chọn VN là điểm đến đầu tư CNTT như India+1.
        Ngoài ra, Chính phủ và TPHCM cũng nên tận dụng những cơ hội này để tạo ấn tượng với các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trên thế giới đầu tư vào Việt Nam như Intel, Samsung đã từng đầu tư… từ đó sẽ tạo thành hiệu ứng “Quả cầu tuyết”. Khi các tên tuổi lớn đầu tư vào Việt Nam thì theo sau nó là hàng ngàn các nhà cung cấp, các công ty con của các tập đoàn lớn đó sẽ vào VN  đầu tư theo.
Cảm ơn ông về cuộc chia sẻ thú vị này! Xin chúc Công viên Phần mềm Quang Trung ngày càng phát triển hơn nữa và là vùng đất lành cho các công ty về lĩnh vực gia công phần mềm tin tưởng gắn kết bền lâu.
Nguồn Minh Định - Nhịp Sống Số

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét